Phát hiện "con mắt vũ trụ" khổng lồ đang nhìn thẳng về Trái đất

  •  
  • 304

Kính viễn vọng vô tuyến ASKAP đặt ở Tây Úc đã ghi lại hình ảnh ngoạn mục về một cấu trúc hình con mắt ma quái trải rộng tới 60.000 năm ánh sáng.

Theo bài công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, cấu trúc lạ nói trên là một "thiên hà vòng cực" hiếm có gọi là NCG 4632.

Khác với thiên hà chứa Trái đất Milky Way, ngoài đĩa ánh sáng rực rỡ, thiên hà này còn sở hữu một quầng sáng khổng lồ, ma quái vây xung quanh. Quầng này chủ yếu là khí hydro và nghiêng khoảng 90 độ so với mặt phẳng thiên hà.

Cấu trúc hình con mắt được xác định là một thiên hà vòng cực
Cấu trúc hình con mắt được xác định là một thiên hà vòng cực - (Ảnh: Monthly Notices of the Royal Astronomical Society).

Những cấu trúc ngoạn mục mang hình con mắt này có thể chứa các bụi và sao, được cho chỉ xuất hiện ở 1/1.000 thiên hà.

Tuy nhiên với các phát hiện mới, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn Nathan Deg từ Đại học Queen (Kingston - Canada) cho rằng tần suất xuất hiện của chúng có thể dày đặc hơn đến 30 lần.

Trong cuộc khảo sát sử dụng kính viễn vọng vô tuyến ASKAP đặt ở Tây Úc, tiến sĩ Deg và các đồng nghiệp đã phát hiện thêm một cấu trúc tương tự bao quanh thiên hà NGC 6156.

"Vòng cực" của NCG 4632 vẫn vượt trội hơn, trải rộng tới 60.000 năm ánh sáng. Kết hợp với đĩa sao chính của thiên hà, cả cụm trông như một con mắt khổng lồ đang nhìn thẳng về Trái đất.

Cấu trúc lạ lùng của các thiên hà vòng cực có thể giúp khai phá những điều chưa từng biết về cách mà các thiên hà hình thành và tiến hóa trong vũ trụ. Vẫn chưa thể hiểu vì sao một số thiên hà có vòng cực, còn hầu hết lại không, theo Science News.

Có một giả thuyết cho rằng vòng cực hình thành trong các vụ va chạm thiên hà.

Để trả lời câu hỏi đó, các nhà thiên văn cần tìm kiếm thêm các thiên hà vòng cực tương tự, tuy nhiên những "con mắt" dạng này rất khó để phân biệt. Một số thiên hà bị biến dạng cũng tạo thành hình dạng khác giống con mắt, nhưng không phải thiên hà vòng cực.

Cập nhật: 03/10/2023 NLĐ
  • 304