Phát hiện đồng hồ mặt trời hơn 3.000 năm tuổi

  •  
  • 1.892

Một hòn đá chạm khắc được tìm thấy trong ngôi mộ thời kỳ đồ đồng ở Ukraine có niên đại hơn 3.000 năm, được coi là một trong những chiếc đồng hồ mặt trời lâu đời nhất cho đến nay.

Các nhà khảo cổ học xác định chiếc đồng hồ mặt trời thuộc nền văn hóa Srubna hoặc Srubnaya, được biết đến với những ngôi mộ khung gỗ trên vùng thảo nguyên giữa dãy núi Ural và con sông Dneiper.

Phát hiện đồng hồ mặt trời hơn 3.000 năm tuổi
Những nét chạm khắc trên phiến đá cho thấy đây là một chiếc đồng hồ mặt trời được người Srubnayan sử dụng từ thời kỳ đồ đồng. (Ảnh: Vodolazhskaya)

Năm 2011, nhóm các nhà khảo cổ do Yurii Polidovich từ bảo tàng Donetsk đứng đầu đã khai quật một gò đất chôn cất từ thời kỳ đồ đồng có niên đại thế kỷ 12 hoặc 13 trước công nguyên. Bên trong gò đất, họ phát hiện một tấm chạm khắc được đánh dấu bởi các đường kẻ và vòng tròn cả hai bên.

Tháng 2/2013, những hình ảnh thu thập đã được gửi cho Larisa Vodolazhskaya tại trung tâm nghiên cứu Archaeoastronomical, Nga. “Sau khi nhận được các bức ảnh, một trong những giả thuyết đưa ra khiến tôi liên tưởng nó tới một chiếc đồng hồ mặt trời”, LiveScience dẫn lời Vodolazhskaya cho biết.

Để chứng minh, Vodolazhskaya tính toán góc độ ánh sáng mặt trời và bóng của nó để khẳng định rằng những hình khắc trên tấm đá sử dụng để đánh dấu giờ chính xác. Các chỗ lõm tròn đặt theo một hình elip dùng để ký hiệu giờ, các rãnh còn lại trên tấm đá đánh dấu vị trí theo chiều dọc là địa điểm đánh dấu cột bóng của đồng hồ mặt trời.

Theo VNE
  • 1.892