Phát hiện gây sốc về thế giới độc nhất vô nhị, nơi nhật thực kéo dài 7 năm

  •  
  • 709

Các nhà thiên văn học quan sát Gaia17bpp, một ngôi sao xa xôi, mờ đi hơn 4.500 lần từ năm 2012 đến năm 2019. Tuy nhiên, trong năm 2019, ngôi sao này bất ngờ sáng lên một cách bí ẩn khiến các nhà nghiên cứu bối rối.

Một thế giới xa xôi mang tên Gaia17bpp vừa xuất hiện trở lại trước mắt người Trái đất sau 7 năm nhật thực, tiết lộ một hệ sao đôi cực hiếm gặp trong vũ trụ.

Để tìm lời giải cho bí ẩn này, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Anastasios Tzanidakis từ Đại học Washington (Mỹ) đã kết hợp quan sát từ vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) với các quan sát từ các nhiệm vụ khác từ phía Mỹ, và phát hiện ra sự tồn tại của một "thế giới đã chết" gần ngôi sao bí ẩn.

Ảnh đồ họa mô tả cặp sao đôi kỳ lạ vừa được xác định
Ảnh đồ họa mô tả cặp sao đôi kỳ lạ vừa được xác định - (Ảnh: Anastasios Tzanidakis).

Đó là một ngôi sao lùn trắng đồng hành được bao quanh bởi một đĩa vật chất dưới dạng bụi, khổng lồ và lan rộng. Nó vô tình bay ngang vùng không gian giữa Trái đất và ngôi sao Gaia17bpp, tạo ra một quang cảnh "nhật thực" hiếm thấy khi quan sát từ phía địa cầu.

Sao lùn trắng vốn là "thây ma" của những ngôi sao như Mặt trời, bị sụp đổ sau khi đã cạn năng lượng.

Để xác định rõ hơn, nhóm nghiên cứu đã sử dụng DASCH, một danh mục kỹ thuật số với 100 năm quan sát thiên văn được lưu trữ bởi Đại học Harvard (Mỹ) và xác định Gaia17bpp chưa từng mờ đi lần nào tương tự.

Các phép đo cho thấy hệ sao đôi này nằm ở khoảng cách cực kỳ xa nhau và mất tới 1.000 năm để quay quanh nhau, do đó việc quan sát thấy 7 năm "nhật thực" là cơ hội ngàn vàng đối với giới thiên văn, mà theo các tác giả mô tả là sự kiện "chỉ xảy ra một lần trong đời".

Các tính chất mà cặp sao này thể hiện cũng cho thấy đây là một hệ sao đôi cực kỳ hiếm thấy trong vũ trụ.

Nghiên cứu vừa được công bố tại phên họp lần thứ 241 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ.

Cập nhật: 13/01/2023 NLĐ
  • 709