Phát hiện hành vi giao phối bầy đàn ở côn trùng

  •  
  • 143

Các nhà khoa học Trung Quốc hôm 7/6 công bố phát hiện bằng chứng sớm nhất về hành vi giao phối bầy đàn ở côn trùng trong hóa thạch 180 triệu năm.

Nhóm nghiên cứu từ Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (NIGPAS) và Viện Khảo sát Địa chất Quảng Tây đã tìm thấy những mảnh hóa thạch 180 triệu năm chứa 381 mẫu vật phù du tiền sử - thuộc về một loài chưa từng được mô tả có tên là Jurassephemera zhangi - tại hệ tầng Shiti ở thành phố Hạ Châu, khu tự trị Quảng Tây, phía nam Trung Quốc.

Trong báo cáo trên tạp chí Địa chất và Sinh học Lịch sử vào hôm 7/6, tác giả Wang Bo từ NIGPAS nhấn mạnh đây là phát hiện rất hiếm, cung cấp bằng chứng sớm nhất về hành vi giao phối bầy đàn ở côn trùng.

"Khám phá mới của chúng tôi cho thấy hành vi giao phối bầy đàn phức tạp ở côn trùng đã được hình thành ở loài Jurassephemera zhangi từ kỷ Jura sớm", Wang cho biết.

 Hóa thạch cung cấp bằng chứng sớm nhất về hành vi giao phối bầy đàn ở côn trùng.
Hóa thạch cung cấp bằng chứng sớm nhất về hành vi giao phối bầy đàn ở côn trùng. (Ảnh: NIGPAS)

Tất cả 381 cá thể phù du trong các mảnh hóa thạch ở Shiti đều được bảo quản hoàn chỉnh với cơ thể, phần phụ và cánh gắn liền nhau. Điều này tiết lộ rằng chúng không bị vận chuyển đi xa trong nước sau khi chết.

Những loài phù du còn tồn tại ngày nay dành phần lớn cuộc đời của chúng trong môi trường nước dưới dạng ấu trùng và những con trưởng thành thường chỉ sống được vài giờ đến vài ngày. Trong giai đoạn trưởng thành ngắn ngủi của chúng, các con đực tập hợp lại thành từng đàn dày đặc. Các con cái sẽ chủ động bay đến để tìm bạn tình và giao phối, sau đó lựa chọn một nơi thích hợp để đẻ trứng.

Bộ Phù du (Ephemeroptera) đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn thủy sinh. Ở giai đoạn ấu trùng, chúng tiêu thụ sinh vật phù du dưới nước và trở thành thức ăn cho cá và các loài động vật ăn thịt khác.

Khi trưởng thành, chúng bay lên khỏi mặt nước và góp phần chuỗi thức ăn trên cạn. Sau khi giao phối và chết đi, xác của chúng trở thành phân bón cho các quần xã thực vật quanh các con suối và sông hồ.

Cập nhật: 13/06/2022 VnExpress
  • 143