Các nhà khảo cổ học thuộc Viện nghiên cứu về Nam Cực của Argentina đã phát hiện được hai mảnh xương mai rùa tại trên ngọn núi La Meseta ở hòn đảo Seymour thuộc châu Nam Cực. Mặc dù không xác định được những mảnh hóa thạch này là của loài rùa nào, nhưng các nhà khoa học khẳng định hai mảnh xương này có thể là của hai loài rùa khác nhau cùng sống trong thời kỳ tiền sử Eocene (cách đây khoảng hơn 40 triệu năm).
Những mẫu hóa thạch trên được xác định có niên đại khoảng 45 triệu năm. Nhóm nghiên cứu cho rằng phát hiện của họ có ý nghĩa quan trọng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về điều kiện môi trường và nhiệt độ của vùng Nam Cực trong thời kỳ Eocene.
"Những hóa thạch trên cho thấy loài rùa ở Nam Cực trong thời kỳ Eocene đa dạng hơn so với chúng ta nghĩ trước đây”, giáo sư Marcelo S. de la Fuente, thuộc Viện bảo tàng quốc gia ở San Rafael (Argentina) và là thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Trong suốt thời kỳ Eocene, Trái đất khác rất nhiều so với bây giờ. Ở đầu thời kỳ này, châu Nam Cực vẫn chưa tách biệt với châu Đại Dương và điều kiện khí hậu của Nam Cực ấm hơn nhiều so với hiện nay và thậm chí tồn tại cả các khu rừng nhiệt đới. Nhưng qua một thời gian dài Nam Cực đã trở thành nơi lạnh giá nhất trên Trái đất.
Việc phát hiện thấy những hóa thạch của loài rùa cổ đại chính là bằng chứng cho thấy châu Nam Cực đã từng có một điều kiện khí hậu ấm hơn chúng ta nghĩ bởi vì loài rùa chỉ phát triển đa dạng trong điều kiện thời tiết ấm áp.
"Sự đa dạng của các loài động vật chủ yếu xuất hiện ở các vùng có khí hậu ấm. Vì thế, phát hiện những hóa thạch của các loại động vật có xương sống như rùa chứng tỏ vùng Nam Cực đã từng có điều kiện khí hậu ấm hơn nhiều so với điều kiện lạnh giá như bây giờ”, tiến sĩ Fuente giải thích.