Phát hiện khả năng "bật nhảy" của sao biển

  •  
  • 353

Con người muốn di chuyển nhanh thì chạy, còn sao biển lại… bật nhảy. Phát hiện mới nhất về khả năng đặc biệt của loài sao biển khiến nhiều người thích thú.

Theo tạp chí khoa học Science, cho đến nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn nghĩ sao biển đơn giản chỉ có thể bò dưới đáy biển hoặc qua những tảng đá.

Tuy nhiên mới đây nhóm nghiên cứu từ trường Bowdoin College (Mỹ) ghi lại khả năng di chuyển bằng cách bật nhảy của loài vật không xương sống này.

Có ít nhất 5 loài sao biển có khả năng nhảy.
Có ít nhất 5 loài sao biển có khả năng nhảy.

Qua khảo sát, nhóm cho biết hiện nay có ít nhất 5 loài sao biển có khả năng nhảy như một hình thức tăng tốc khi gặp nguy hiểm hay khi muốn bắt mồi.

Chuyển đổi tốc độ giữa bò và nhảy ở sao biển gần như có tỉ lệ tương tự với sự chênh lệch tốc độ giữa việc đi bộ và chạy nước rút ở con người.

Về cơ chế, sao biển dựa vào số lượng lớn các "chân" nước cực nhỏ nằm ở bên dưới cơ thể.

Thông thường, nước trong cơ thể sao biển bơm và xả vào những chiếc chân này tạo ra độ nghiêng cho chúng chuyển động về phía trước.

Quá trình này diễn ra liên tục và luân phiên giữa các chân giúp sao biển như đang bò trên một bề mặt nhất định.

Tuy nhiên, khi muốn bật nhảy, các chân sẽ phải được phân công nhiệm vụ rõ ràng và phải thực hiện đồng bộ.

Cụ thể, một phần ba số chân về phía hướng di chuyển sẽ được làm đầy nước cùng một lúc, trong khi số còn lại sẽ dùng lực quán tính mà đi về phía trước.

Để rõ hơn, có thể hình dung một robot 3 chân muốn chạy nhanh. Khi đó, một chân phải bước đi trước và 2 chân còn lại chỉ việc trượt theo.

Ở sao biển, số lượng chân của chúng được chia thành 3 phần để thực hiện cách thức di chuyển trên.

Loài sao biển di chuyển bằng những "chân" cực nhỏ dưới cơ thể
Loài sao biển di chuyển bằng những "chân" cực nhỏ dưới cơ thể - (Ảnh: SCIENCE).

Dẫu giúp đi nhanh hơn nhưng tốc độ vẫn khác biệt ở từng loài sao biển.

Protoreaster nodosus - loài sao biển đầu tiên được nghiên cứu - bật tương đối chậm hơn các loài sao biển khác do tất cả số chân của chúng gần như mất nước hoàn toàn giữa các lần bật, do đó tốn thời gian để thực hiện lần kế tiếp.

Trong khi đó lượng nước trong chân của loài Luidia clathrata phục hồi nhanh nên di chuyển nhanh gấp 5 lần Protoreaster nodosus.

Các nhà khoa học cho biết tốc độ "cực nhanh" khi bật của Luidia clathrata cũng không thể giúp chúng tránh khỏi những con cá muốn biến sao biển thành bữa ăn.

Dẫu vậy, tốc độ này vẫn có thể giúp sao biển thoát được các kẻ thù như ốc hay sao biển ăn thịt đồng loại hoặc giúp chúng có thể đuổi theo một số con mồi chậm chạp dưới đại dương…

Cập nhật: 08/01/2019 The Tuổi Trẻ
  • 353