Phát hiện loài khủng long mới

  •   52
  • 3.000

Các nhà cổ sinh vật học Hoa Kỳ vừa công bố đã khai quật được bộ xương hóa thạch của một loài khủng long ăn cỏ mới, được đặt tên là Seitaad ruessi, sống cách nay 185 triệu năm tại khu vực núi đá đỏ ở tiểu bang Utah, Hoa Kỳ.

Khám phá được các nhà khoa học đăng trên tạp chí khoa học PLoS ONE hôm 24-3, cho biết vết tích hóa thạch khủng long Seitaad ruessi được phát hiện năm 2004 bởi Joe Pachak, một nghệ sĩ địa phương nghiên cứu nghệ thuật vẽ tranh lên đá và sau đó được khai quật năm 2005. Bộ xương khủng long gần như đầy đủ, chỉ thiếu có phần đầu, một ngón chân và một xương ống chân. 

 

Nghệ sĩ Joe Pachak ngồi cạnh vết tích hóa thạch khủng long ăn cỏ Seitaad ruessi được phát hiện năm 2004 - Ảnh: unews.utah.edu


Cho đến ngày nay, các nhà khoa học chỉ phát hiện được rải rác xương và dấu chân khủng long tại khu vực núi đá đỏ Utah, do đó họ cho biết thật hiếm khi tìm thấy một bộ xương khủng long khá hoàn chỉnh như trên và còn gợi ý rằng các rặng đá đỏ tại Utah là nơi có thể hé lộ nhiều loài động vật đã tuyệt chủng trong tương lai.

 

Tác phẩm minh họa loài khủng long ăn cỏ Seitaad ruessi - Ảnh: unews.utah.edu

Khủng long ăn cỏ Seitaad ruessi có cổ và đuôi dài, chiều dài cơ thể khoảng 4,5m và cao 1,2m. Khi còn sống, nó đạt trọng lượng khoảng 32-40kg và đi bộ trên bốn chân hoặc có thể đứng lên và đi bộ trên hai chân sau của nó. Các nhà khoa học cho biết có thể nó đã bị chôn sống khi một cồn cát sụp đổ. 

 

Nhà cổ sinh vật học Mark Loewen bên bộ xương khủng long ăn cỏ Seitaad ruessi - Ảnh: unews.utah.edu


Seitaad ruessi thuộc nhóm khủng long Sauropodomorph, sống phổ biến vào thời kỳ đầu kỷ Phấn trắng (khoảng 175-200 triệu năm nước), thời kỳ này các lục địa cổ vẫn còn gắn kết nhau được gọi là siêu lục địa Pangaea.

Nghiên cứu trên được tiến hành bởi nhà cổ sinh vật học Joseph Sertich, hiện đang công tác tại ĐH Stony Brook, thành phố New York (Hoa Kỳ) cùng đồng nghiệp Mark Loewen tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Utah.

Theo VietNamNet
  • 52
  • 3.000