Phát hiện mới: Thiên thạch không phải là thứ khiến khủng long tuyệt chủng?

  •  
  • 629

Nghiên cứu do Đại học Dartmouth dẫn đầu nhấn mạnh về một nguyên nhân khác có thể dẫn tới sự tuyệt chủng hàng loạt của loài khủng long, mà không phải là thiên thạch.

Điều gì đã giết chết những con khủng long cách đây 66 triệu năm vào cuối Kỷ Phấn trắng? Đây từ lâu đã trở thành chủ đề hấp dẫn, kéo theo những cuộc tranh luận khoa học và các nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới.

Giả thuyết được đa số các chuyên gia tin tưởng là thiên thạch đã khiến loài khủng long tuyệt chủng.
Giả thuyết được đa số các chuyên gia tin tưởng là thiên thạch đã khiến loài khủng long tuyệt chủng.

Tới nay, giả thuyết được đa số các chuyên gia tin tưởng, đó là sao chổi, thiên thạch, hoặc tiểu hành tinh đã đâm vào Trái đất, khiến hệ sinh thái bị hủy diệt, dẫn tới sự tuyệt chủng của loài khủng long.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây do Đại học Dartmouth (Mỹ) dẫn đầu lại cho rằng hoạt động bất thường của núi lửa mới là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tuyệt chủng hàng loạt, bao gồm cả sự biến mất của khủng long.

Theo các nhà nghiên cứu, 4 trong số 5 vụ tuyệt chủng hàng loạt trên Trái đất xảy ra cùng lúc với một loại hình núi lửa phun trào, được gọi là "lũ bazan". Những cơn lũ này đã làm "ngập lụt" các khu vực rộng lớn với dung nham, thậm chí lan sang toàn bộ lục địa chỉ trong vòng một triệu năm.

Hoạt động của chúng đã để lại những bằng chứng rõ ràng cho tới tận ngày nay, tiêu biểu là thứ mà các nhà địa chất gọi là "các vùng đá lửa rộng lớn" (viết tắt: LIP). Theo Science, các khu vực này chứa ít nhất 100.000 km khối magma, gấp 400.000 lần thể tích của một bể bơi đạt tiêu chuẩn Olympic.

Bên cạnh đó, đặc điểm chung của những vụ phun trào núi lửa đó là giải phóng một lượng khí carbon dioxide khổng lồ vào bầu khí quyển, dẫn tới gần như cắt đứt toàn bộ sự sống.


Khủng long có thể bị tuyệt chủng bởi chính những gì đã diễn ra trên Trái đất. (Ảnh: Getty).

Trên thực tế, khoa học đã chứng minh rằng một loạt các vụ phun trào núi lửa ở Siberia ngày nay đi kèm lượng khí methane lớn từ đáy biển, đã gây ra sự hủy diệt lớn nhất trong số những vụ tuyệt chủng hàng loạt cách đây khoảng 252 triệu năm.

Những vụ phun trào núi lửa cũng đã làm rung chuyển tiểu lục địa Ấn Độ vào khoảng thời gian khủng long kích cỡ lớn chết dần, hình thành nên vùng đất ngày nay được gọi là cao nguyên Deccan.

Giả thuyết này được nhiều người ủng hộ, bởi hậu quả của nó cũng tương tự như khi Trái đất hứng chịu sự tấn công của các tiểu hành tinh, bao gồm những ảnh hưởng toàn cầu sâu rộng, bầu khí quyển bị phủ đầy trong đất bụi và khói độc.

Những yếu tố này dẫn tới việc khủng long chết ngạt và các sinh vật sống khác đối mặt với sự thay đổi khí hậu quy mô lớn trong thời gian dài.

Brenhin Keller, PGS khoa học Trái đất tại Dartmouth cho biết: "Mặc dù rất khó để xác định phun trào núi lửa có phải là nguyên nhân gây ra một vụ tuyệt chủng hàng loạt hay không, nhưng kết quả của nghiên cứu khiến chúng ta khó có thể bỏ qua vai trò của núi lửa đối với sự tuyệt chủng".

Nếu như mối liên hệ nhân - quả được tìm thấy giữa "lũ bazan" và sự tuyệt chủng hàng loạt, các nhà khoa học tin rằng những lần phun trào núi lửa lớn hơn sẽ kéo theo những kỳ tuyệt chủng thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Cập nhật: 23/09/2022 Dân Trí
  • 629