Sao AG Carinae có khối lượng gấp khoảng 70 lần Mặt trời, bao quanh là lớp vỏ khí bụi rộng tới 5 năm ánh sáng.
Kính viễn vọng không gian Hubble chụp ảnh AG Carinae, ngôi sao thuộc loại sao biến quang xanh lam (LBV), trong dịp kỷ niệm 31 năm hoạt động, Space hôm 23/4 đưa tin. Bao quanh ngôi sao là vỏ bọc khí bụi khổng lồ rộng 5 năm ánh sáng, tương đương khoảng cách từ Trái đất tới ngôi sao gần nhất không tính Mặt trời, Alpha Centauri.
Sao AG Carinae trong ảnh chụp của kính viễn vọng không gian Hubble. (Ảnh: NASA/ESA/STScI).
Vỏ khí bụi hình thành khi một hoặc nhiều vụ phun trào mạnh diễn ra khoảng 10.000 năm trước khiến các lớp ngoài của ngôi sao bị đẩy ra không gian. Số vật chất này có khối lượng gấp 10 lần Mặt trời.
"Tôi thích nghiên cứu loại sao này vì quan tâm đến tính bất ổn của chúng. Hoạt động của chúng rất kỳ lạ", Kerstin Weis, nhà nghiên cứu sao biến quang xanh lam tại Đại học Ruhr (Đức), chia sẻ.
Trong bức ảnh mới, khí nitơ và hydro có màu đỏ, trong khi vùng xanh lam thể hiện những cấu trúc bụi mà AG Carinae thắp sáng. Hubble theo dõi ngôi sao dưới ánh sáng khả kiến và ánh sáng cực tím.
Sao biến quang xanh lam có hai chế độ, luân phiên giữa tĩnh lặng và phun trào. Trong đợt phun vật chất, chúng trở nên sáng hơn nhiều. Hiện các nhà khoa học ước tính AG Carinae sáng gấp khoảng một triệu lần Mặt trời.
Các đợt phun trào thực chất giúp ngôi sao không phân rã, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Với một ngôi sao, sức ép của lực hấp dẫn bên trong và sức ép của bức xạ bên ngoài thường cân bằng. Nhưng với ngôi sao không ổn định, sức ép này đôi khi sẽ vượt qua sức ép kia. Trong trường hợp của AG Carinae, sức ép bên ngoài vượt qua lực hấp dẫn trong thời gian ngắn, khiến vật chất phun ra ngoài không gian. Vụ phun trào đưa ngôi sao trở lại trạng thái cân bằng.
Tuy nhiên, những ngôi sao khối lượng lớn chỉ chịu được một số lượng nhất định các vụ phun trào như vậy, sau đó sẽ cạn kiệt nhiên liệu. Các chuyên gia ước tính AG Carinae có khối lượng gấp 70 lần Mặt trời và có thể tồn tại 5 hay 6 triệu năm.