Phát hiện răng loài vượn khổng lồ thời tiền sử tại Thanh Hóa

  •  
  • 240

Các nhà khoa học phát hiện hai mẫu răng của loài vượn khổng lồ, là mẫu duy nhất ở Thế Pleistocene của Việt Nam.

Nghiên cứu được các chuyên gia Viện Cổ sinh vật học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, gồm TS Lê Xuân Đắc, TS Mashchenko E.N cùng các cộng sự thực hiện.

Từ năm 2020-2022, các nhà khoa học khảo sát tại hang Làng Tráng, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các mẫu di tích cổ sinh vật thu thập được, phát hiện hai mẫu răng của loài vượn khổng lồ (Gigantopithecus blacki). Đây là mẫu duy nhất ở Thế Pleistocene của Việt Nam và là một trong những mẫu răng mới nhất được ghi nhận trong số các loài đã tuyệt chủng (khoảng 125 nghìn năm trước).

 Răng hàm dưới của vượn khổng lồ ở hang Làng Tráng.
Răng hàm dưới của vượn khổng lồ ở hang Làng Tráng. (Ảnh: Viện HLKH Nga).

Theo trang thông tin của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, các nhà khoa học đã phân tích đặc điểm hình thái và kích thước thân răng phát hiện tại hang Làng Tráng tương ứng với răng của loài vượn khổng lồ - G. blacki và có sự tương đồng về độ dày men răng, kích thước và hình dạng của chân răng. Trên bề mặt men răng có các vết xước và vết rỗ siêu nhỏ, đây là đặc điểm đặc trưng cho răng của các loài linh trưởng.

G. blacki có quan hệ gần với Đười ươi, đây là loài có kích thước lớn nhất trong nhóm linh trưởng, đạt khối lượng cơ thể 200-300 kg. Vượn khổng lồ sống lang thang trong những khu rừng ở Đông Nam Á trước khi bị tuyệt chủng cách đây hàng trăm nghìn năm. Dù vậy, hóa thạch của vượn khổng lồ rất hiếm và khó tìm. Trước đây, các di tích cổ sinh của vượn khổng lồ là các mảnh răng và xương hàm được thu thập từ trầm tích Thế Pleistocene của các hang động đá vôi ở miền Nam Trung Quốc. Ở miền bắc Việt Nam và miền Bắc Thái Lan cũng phát hiện những chiếc răng đơn lẻ. Một số mảnh xương hàm dưới của một con khỉ khổng lồ có niên đại địa chất chưa rõ được tìm thấy trên đảo Java (Indonesia), có kích thước tương ứng với G. blacki, được coi là Gigantopithecus sp.

Phân tích về sự phân bố địa lý và địa tầng của Gigantopithecus các nhà khoa học cho rằng, các mẫu di tích cổ sinh phát hiện ở hang Làng Tráng thuộc về một trong những ghi nhận của loài vượn khổng lồmới nhất còn sót lại cho đến hiện nay.

Đồ họa mô phỏng hình dáng vượn khổng lồ.
Đồ họa mô phỏng hình dáng vượn khổng lồ. (Ảnh: Họa sĩ Z. Burian)

Nghiên cứu tại hang Làng Tráng, các nhà khoa học cũng xác định được 41 loài thuộc các đơn vị phân loại khác nhau, đồng thời đưa ra giả thiết về môi trường sống cổ sinh ở giai đoạn này. Các loài lần đầu tiên được xác định thuộc hệ động vật Làng Tráng gồm vượn khổng lồ (Gigantopithecus blacki), khỉ đuôi dài (Macaca cf. fascicularis), khỉ vàng (M. cf. mulatta), báo gấm (Neofelis nebulosa), chuột chù (Chodsigoa hoffmanni), dơi (Ia io), chuột khổng lồ đuôi dài Neill (Leopoldamys neilli), chuột đen (Rattus rattus), tê giác Ấn Độ (Rhinoceros unicornis), lợn râu borneo (Sus barbatus), cheo cheo Nam Dương (Tragulus kanchil), hươu nước (Hydropotes inermis), hươu vàng (Axis porcinus), cá sấu, rùa và một số loài chân bụng trên cạn.

Tại Việt Nam, từ trước những năm 2000, một số đoàn nghiên cứu cổ sinh vật đã khảo sát tại hang Làng Tráng và vùng lân cận. Hang đá vôi Làng Tráng là di tích cổ sinh nổi tiếng nhờ tìm thấy hóa thạch người tiền sử và hơn 30 loài khác thuộc hệ động vật Stegodon - Ailuropoda - những loài động vật đặc trưng thuộc nửa sau Thế Pleistocene Giữa - Muộn. Các kết quả nghiên cứu về hệ động vật Thế Pleistocene tại hang Làng Tráng đã chỉ ra sự thích nghi sinh thái, động lực phân bố của các loài động vật cổ sinh và thời hiện đại, các thay đổi về hệ động vật và điều kiện cổ môi trường trong quá khứ. Các dữ liệu mới về cổ sinh vật là luận cứ khoa học cho việc phân tích và dự báo động thái đa dạng sinh học của khu hệ động vật Việt Nam thời kỳ hiện đại.

Cập nhật: 26/08/2023 VnExpress
  • 240