Mộ cổ 500 tuổi tiết lộ sinh vật làm thay đổi loài người vĩnh viễn

  •  
  • 1.200

Con người vẫn không ngừng tiến hóa, nhất là khi đối diện với thảm họa. DNA từ 36 người chết vì dịch hạch trong ngôi mộ cổ tập thể ở thị trấn Ellwangen của Đức đã chứng minh.

Theo Phó giáo sư – tiến sĩ Paul Norman từ Khoa Tin học Y sinh và Y học cá nhân, Đại học Colorado (Mỹ), các bộ hài cốt trong ngôi mộ cổ có từ thế kỷ 16 này cung cấp bằng chứng đầu tiên về quá trình "thích ứng tiến hóa", giúp cơ thể tạo ra miễn dịch cho các thế hệ sau.

Nghiên cứu được thực hiện với sự phối hợp của Viện Max Planck ở Đức, được công bố trực tuyến trên tạp chí Molecular Biology and Evolution.

Yersinia pestis - thủ phạm gây ra "cái chết đen" đã thúc đẩy sự "thích ứng tiến hóa" ở con người
Yersinia pestis - thủ phạm gây ra "cái chết đen" đã thúc đẩy sự "thích ứng tiến hóa" ở con người - (Ảnh: SciTech Daily).

Theo SciTech Daily, sự tiến hóa được thể hiện rõ ràng khi đối chiếu DNA từ xương tai trong của 36 người trong mộ cổ và từ 50 cư dân hiện đại của thị trấn. Mầm bệnh cổ đại – vi khuẩn Yersinia pestis gây dịch hại, đã thúc đẩy sự thay đổi phân bố alen cho hai thụ thể nhận dạng mẫu bẩm sinh và 4 phân tử kháng nguyên bạch cầu ở người. Nói cách khác, cư dân ở đây đã tiến hóa để hình thành một số gene liên quan đến khả năng miễn dịch, giúp các thế hệ sau chống lại vi khuẩn này tốt hơn.

Nghiên cứu mở rộng cho thấy trong suốt 5.000 năm bệnh dịch hành hoành hành khắp châu Âu, sự tiến hóa này đã diễn ra âm thầm. Các gene được chọn lọc sau mỗi sự kiện dịch bệnh giúp hệ miễn dịch của người dân hoàn thiện dần qua các thế hệ.

Và cho dù "cái chết đen" vẫn luôn đáng sợ, rõ ràng cư dân ở những vùng từng trải qua đại dịch đã thay đổi để nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn, hoặc bệnh nhẹ hơn nếu lỡ mắc. Phó giáo sư Norman nhấn mạnh điều này cho thấy khả năng thích nghi và phản kháng tuyệt vời của loài người trước thảm họa. Nhưng tất nhiên để đẩy lùi dịch bệnh và các ca tử vong, luôn cần những biện pháp tức thời và triệt để hơn như vắc xin.

Cập nhật: 21/05/2021 Theo NLĐ
  • 1.200