Phát hiện xác voi ma-mút con 37.500 năm tuổi

  •  
  • 1.316

Xác một chú voi ma-mút con Siberian chết cách đây khoảng 37.500 năm và được bảo quản nguyên trạng trong băng đang được kiểm tra ở Nhật Bản. Kết quả kiểm tra sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu vì sao loài ma-mút tuyệt chủng và nghiên cứu về tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Chú voi ma-mút 6 tháng tuổi gọi là Lyuba, được một người chăn nai phát hiện vào tháng năm ở khu vực tự trị Yamal-Nenets heo hút phía bắc Siberia. Xác của nó gần như nguyên vẹn và thậm chí vẫn còn ít lông dù tai và đuôi của nó đã bị cắn nát.

Phó Chủ tịch Ủy ban Ma-mút quốc tế đặt tại Geneva Bernard Buigues phát biểu: “Phát hiện ra Lyuba là một sự kiện lịch sử, nó cho chúng ta hiểu nguyên nhân khiến cho loài này tuyệt chủng và khám phá thêm về số phận của chính con người.”

Con voi ma-mút cuối cùng được cho là còn tồn tại trên trái đất cách đây từ 4.8 triệu năm đến 4.000 năm, các nhà khoa học vẫn còn đang tranh cãi liệu ma-mút tuyệt chủng là do thay đổi khí hậu hay do sự săn bắt quá mức của con người.

Naoki Suzuki thuộc trường Đại học Y Jikei, trưởng nhóm nghiên cứu giai đoạn đầu của công trình quốc tế nghiên cứu cấu trúc xác ma-mút phát biểu: “Đây là những gì mà chúng ta mong đợi: cơ hội được tìm hiểu tất cả thông tin về loài ma-mút. Các phát hiện của chúng tôi sẽ là một bước tiến lớn trong việc tìm lời giải cho bí ẩn xung quanh sự tuyệt chủng của voi ma-mút.”

Naoki Suzuki (trái), giáo sư tại Đại học Jikei, Nhật Bản, giải thích về ảnh chụp 3D của xác một chú voi ma-mút con 37000 năm tuổi tại một cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 4 tháng 1 vừa qua. Chú voi ma-mút tên Lyuba được phát hiện ở Siberia và đưa về Nhật để kiểm tra. Ảnh chụp bằng X-quang của Lyuba được hy vọng sẽ cung cấp thông tin về cấu trúc nội tạng của con vật. Bên phải của Giáo sư Suzuki là Sergey Grishin. Giám đốc Bảo tàng Shemanovski. (Ảnh: AP Photo/Shizuo Kambayashi)

Suzuki cho biết, chú voi ma-mút cao khoảng 1,2m, màu xám và nâu được chụp bằng máy X-quang lập trình và cho ra những hình ảnh 3D chụp cấu trúc giải phẫu của con vật. Theo Sergey Grishin, Giám đốc Bảo tàng Shemanovsky Yamal-Nenets, xác Luyba lúc phát hiện vẫn còn được ướp trong băng và không có vết thương hở nào. Đây là xác ma-mút được bảo quản tốt nhất từng được phát hiện.

Các nhà khoa học hy vọng kết quả phân tích hình ảnh 3D của con vật có thể tiết lộ thêm về cơ quan nội tạng, khẩu phần ăn và lý do tử vong của nó. Họ cũng sẽ phân tích mẫu không khí trong phổi Luyba để tìm hiểu về khí hậu của trái đất suốt kỷ Băng hà cuối cùng.

Hiện nay, xác của Lyuba đang được trưng bày ở trung tâm Tokyo và thu hút rất nhiều trẻ em. Bé Chikara Shimizu - 10 tuổi, nói: “Cháu thấy lạ quá, nhìn nó như vẫn đang còn sống.” Cuộc trưng bày sẽ kéo dài đến cuối tháng 2. Cha của Chikara, anh Misao Shimizu cho rằng người ta có thể tìm ra Lyuba vì băng ở Siberia đang tan ra do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Anh thấy lo ngại về điều này.

Akito Arima, Giám đốc Bảo tàng Khoa học nơi đang trưng bày Luyba cho rằng, nóng lên toàn cầu có thể là nguyên nhân chú ma-mút này được tìm thấy nhưng ông không bình luận thêm.

Băng vĩnh cửu, vùng luôn luôn nằm trong trạng thái đóng băng, chiếm đa số bên dưới mặt đất của Siberia nhưng các nhà khoa học lo ngại rằng nóng lên toàn cầu sẽ làm tan lớp băng này và thúc đẩy thay đổi khí hậu thông qua việc giải phóng khí CO2 ấm vào bầu khí quyển.

Tuệ Minh (Theo AP, Yahoo News)
  • 1.316