Rác thải bệnh viện đe dọa môi trường sống

  •  
  • 990

Trung tâm Y tế Đông Anh (Hà Nội) mỗi ngày thải ra 200 m3 nước bẩn. Số nước thải của quá trình khám, điều trị bệnh chảy trực tiếp vào môi trường, chung với nước thải sinh hoạt khác. Đây là chuyện bình thường đối với các bệnh viện tuyến huyện.

Việt Nam chưa có nhiều lò đốt rác y tế hiện đại. (Ảnh: Vneconomy)

Việt Nam hiện có xấp xỉ 1.050 bệnh viện, hơn 10.000 trạm y tế xã. Cùng với các viện nghiên cứu y sinh, trung tâm y tế dự phòng, cơ sở sản xuất dược phẩm, chúng thải ra lượng rác thải y tế khổng lồ, riêng chất thải rắn đã hơn 400 tấn mỗi năm, trong đó gần 1/10 thuộc loại nguy hiểm.

Bộ Y tế cho biết, chỉ 1/3 lượng rác thải rắn y tế được đốt bằng lò hiện đại. Số còn lại được thiêu ngoài trời, đốt bằng lò thủ công, chôn trong khuôn viên bệnh viện hoặc thải ra bãi rác chung.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường nhận xét, hầu hết các cách xử lý chất thải rắn y tế đều chưa hoàn toàn hiệu quả. Với những cơ sở vận chuyển rác ra ngoài bệnh viện đến nơi khác để đốt, nguy cơ lây lan mầm bệnh trong quá trình vận chuyển là rất cao vì không nhiều cơ sở có phương tiện vận chuyển chuyên dụng.

Còn cách chôn lấp (thường được áp dụng ở những đơn vị không có lò đốt và lượng rác thải không lớn) cũng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến dịch bệnh. Mặt khác, qua thời gian, diện tích đất dùng cho việc này cũng sẽ hết dần.

Đốt bằng lò không phải là giải pháp hoàn hảo. Các chất độc hại sẽ giảm nhiều trong quá trình đốt nhưng chỉ với điều kiện lò có hệ thống xử lý khí thải, mà thực tế rất ít lò đốt rác y tế ở Việt Nam có hệ thống này. Thế nên việc xử lý chất độc này lại làm phát sinh các chất độc khác, làm ô nhiễm môi trường.

Bác sĩ Hoàng Đức Tế, Phó phòng nghiệp vụ kế hoạch Trung tâm Y tế huyện Đông Anh cho biết, do không đủ kinh phí nên việc xử lý chất thải ở cơ sở y tế có 200 giường bệnh này được làm rất sơ sài. Với chất thải rắn, loại rác sinh hoạt được công ty thu gom hằng ngày, nhưng loại rác nguy hại thì mỗi tuần mới được thu gom một lần. Lý do là mỗi ngày chỉ có 10-20 kg rác loại này, không đủ cho một chuyến ôtô. Các loại rác thải là mô, bộ phận cơ thể thì được chôn lấp.

Còn chất thải lỏng ở Trung tâm y tế Đông Anh thì được xả ra môi trường không hề qua xử lý. Hiện trạng ở cơ sở này cũng là chuyện thường với nhiều nơi khác, bởi trong số 1/3 số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải ở Việt Nam, phần lớn là đơn vị tuyến trung ương, tỉnh và ngành, chỉ có rất ít bệnh viện tuyến huyện. Ngay cả ở những cơ sở có hệ thống xử lý nước thải, hiệu quả cũng không cao do không có kinh phí vận hành thường xuyên, hoặc vận hành không đúng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình là một ví dụ. Hệ thống xử lý nước thải của cơ sở này có hai bể chứa để lắng lọc. Phó giám đốc Lê Hữu Quý cho biết, do không đủ kinh phí hoạt động thường xuyên nên bể hay bị tắc.

Ông Quý cũng cho biết, bệnh viện có đơn vị phụ trách xử lý rác thải chỉ mới cách đây 3 tháng, đó là khoa Chống nhiễm khuẩn. Trước đây, bệnh viện không hề có biên chế cho vấn đề rác, cũng chẳng ai có chuyên môn về lĩnh vực này. Công việc lúc được giao cho phòng vật tư, khi thì chuyển sang phòng hành chính.

Cũng như các cơ sở y tế khác, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình không thể dành nhiều kinh phí cho việc xử lý chất thải. Tình trạng quá tải đã làm cho chuyện tiền nong căng thẳng thêm. Theo ông Quý, để đảm bảo xử lý rác an toàn, bệnh viện cần được chi thêm 150-200 triệu đồng mỗi năm cho việc này.

Bộ Y tế đang xây dựng chương trình quản lý xử lý chất thải bệnh viện. Mục tiêu của chương trình này là đến năm 2010 sẽ hoàn thành hệ thống văn bản pháp lý và hướng dẫn thực hiện liên quan đến lĩnh vực này. Sau 4 năm nữa, tất cả các bệnh viện ở Việt Nam sẽ có hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng với công nghệ phù hợp.

(Bộ Y tế)

Hải Hà

Theo Vnexpress
  • 990