Robot hoa, leo địa hình điều khiển bằng 3G, robot nhận diện chữ viết, phát âm hay robot chim… là sáng tạo độc đáo của sinh viên toàn quốc hội tụ trong triển lãm Tech-show 2011, bên lề Vòng chung kết Robocon 2011 tại Đà Nẵng.
>> Chung kết Robocon 2011: Hứa hẹn gay cấn
>> Robocon 2011 sẽ là một sân chơi bùng nổ
Robot nhận diện chữ viết và phát âm của đội BKIT 4U. Ảnh: Nguyễn Huy.
Ý tưởng rút ngắn khoảng cách giữa con người và robot điều khiển bằng tay, nhóm CLB BKIT4U (ĐH Bách khoa TPHCM) cho ra đời sản phẩm sáng tạo độc đáo - robot nhận diện chữ viết và phát âm.
Nguyễn Minh Hòa, sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM, thành viên CLB này cho hay: Thay vì phải nhấn các nút điều khiển để kích hoạt robot làm các nhiệm vụ được giao, robot này tự nhận diện chữ viết (đánh máy, viết tay), qua hệ thống xử lý dữ kiện để biến thành các khẩu lệnh, yêu cầu robot làm theo. Tương tự, với việc phát âm, chỉ cần đưa chữ viết đến bộ phận “mắt thần”, robot sẽ nhận diện và phát âm.
Theo Hòa, phải mất gần 1 năm đánh vật với ý tưởng, chú robot này mới được hình hài và đi vào hoàn thiện. Khó nhất là việc xử lý hệ thống phân tích dữ liệu (chữ viết) để chuyển thành các câu lệnh cho robot. Từ đây, các thành viên CLB BKIT4U ấp ủ, nâng cấp robot để nhận diện biển số xe, khuân hàng trong các kho chứa rộng để robot tự tìm kiếm, sắp xếp hàng và… kiểm kê số lượng lô hàng hiện có thay cho con người.
Nhóm BK CDT (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) làm người xem ngạc nhiên với ý tưởng gắn công nghệ 3G vào robot leo địa hình. Từng đạt chức vô địch cuộc thi Robomin năm 2009 (do Hội Cơ khí Việt Nam phối hợp với ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức), BK CDT chứng tỏ khả năng bằng robot vượt các địa hình: cát, đất ướt, đồi núi dốc, leo cầu thang… qua hệ điều khiển kết nối internet với tầm phủ sóng “không giới hạn”.
“Nếu ứng dụng vào quân đội, đặc biệt trong lĩnh vực rà phá bom mìn, robot này sẽ góp phần hạn chế nguy hiểm có thể xảy ra khi chúng ta không còn phải đối diện trực tiếp với bom mìn. Robot sẽ làm thay chúng ta ở bất cứ vị trí nào qua hệ thống 3G” - Trần Mạnh Hổ, Đội trưởng BK CDT, sinh viên khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Đà Nẵng nói.
“Bãi đỗ xe thông minh” của đội BK Tech (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) được đánh giá có tính ứng dụng cao khi hầu hết diện tích đất tại các thành phố lớn đang hạn hẹp. Ngô Văn Phúc, sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Đội BK Tech cho hay: chỉ cần đăng ký các mã khóa, người lái đưa xe đến khu vực vào và robot sẽ làm việc sắp xếp xe, lấy xe ở những vị trí phù hợp.
Robot chim của đội ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Đội “robot chim” đến từ trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM giới thiệu robot hình chim mò o có thể đập cánh, thay đổi hướng, uốn lượn hình sin đến vài trăm mét qua hệ thống điều khiển. Sinh viên Nguyễn Đức Long, đội trưởng cho biết: Robot chim được gắn thiết bị quay và sử dụng bộ điều khiển bằng sóng FM 2.4G.
Điều đặc biệt là chú robot này rất khó phát hiện trên bầu trời vì được ngụy trang khéo léo như một chú chim thật. Theo đó, robot có thể phục vụ tốt cho hoạt động giải trí, hữu ích cho hoạt động quân sự, thám hiểm, xâm nhập vùng chiến sự căng thẳng…
Đội Wings (Đôi cánh) của ĐH Bách khoa TPHCM giới thiệu loại robot xe hai bánh tự cân bằng, có kiểu dáng gọn, điều khiển dễ dàng, tiện lợi trên sân gôn, sân bay, resort, các trung tâm thương mại... "Xe hai bánh tự cân bằng được nhập về với giá khoảng 8.000 USD nhưng nếu được chế tạo tại Việt Nam theo mô hình chú robot này thì giá chỉ khoảng 15 triệu đồng”, đội Wings cho biết.