Rừng Amazôn bị tàn phá nặng nề

  •   3,52
  • 1.604

Báo cáo của Viện Canegiơ, Caliphonia, Mỹ công bố ngày 20/10 cho thấy một thực trạng tồi tệ hơn rất nhiều những gì chúng ta được biết về sự tàn phá đang diễn ra ở rừng Amazôn, Braxin, nơi được coi là "lá phổi" của toàn thế giới.

Các nhà khoa học của Viện trên cho biết, rừng Amarôn bị tàn phá gấp hai lần so với ước tính. Những số liệu phân tích thu được từ vệ tinh, áp dụng công nghệ quang học mới cho phép khảo sát được dưới những tán cây rậm rạp, phơi bày tình trạng phá rừng một cách có chọn lọc đang phổ biến tại đây.

Trung bình, mỗi năm có từ 12.000 đến 20.000 km2 rừng Amazôn bị chặt tỉa từng cây một, mà không phát quang hoàn toàn, rất nhiều cây gỗ quý đang mất đi.

Những ảnh chụp từ vệ tinh trước đây rất khó phát hiện được điều này.

Ảnh rừng amazôn do vệ tinh chụp năm 1999. Những đốm màu hồng là khu vực rừng bị tàn phá. (Ảnh từ trang web nước ngòai)
Rừng Amazôn, được coi là "lá phổi" của thế giới vì có diện tích lớn nhất, có chức năng hấp thụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nếu chức năng này bị suy giảm khí thải không được hấp thụ sẽ thoát ra và bay lơ lửng trong tầng khí quyển, huỷ hoại môi trường sống của con người trên Trái Đất.

Rừng Amazôn là nơi sinh sống của khoảng 1/3 các loài động vật trên Trái đất, từ côn trùng tới thú dữ, nhưng số lượng của chúng đã giảm đi rất nhanh kể từ những năm 70 của thế kỷ trước khi con người đốt, khai thác rừng lấy đất phục vụ cho các mục đích khác.

Chỉ tính riêng trong 3 thập kỷ qua, đã có 17% rừng Amazôn bị chuyển mục đích sử dụng.
Theo VietNamNet
  • 3,52
  • 1.604