Rùng mình với thứ mật ong chết người, có thể khiến cả đoàn quân phát điên

  •   32
  • 6.563

Mật ngọt thì chết ruồi. Nhưng thứ mật ong quái quỷ này còn cướp được mạng người, thậm chí hạ gục cả một đội quân bằng độc tính ghê gớm của nó.

Có thể bạn chưa biết, mật ong có rất nhiều loại, và chẳng loại nào giống lại nào. Dù cùng một giống ong, nhưng mỗi loài hoa có thể cho ra loại mật khác. Có mật ngọt, mật đắng, thậm chí có loại còn giống mùi... nước tiểu mèo.

Và thậm chí, có những loại mật còn mang độc tính rất cao, có thể gây chết người. Mật ong điên là một trong số đó.

Mật ong điên
Có những loại mật còn mang độc tính rất cao, có thể gây chết người.

Mật ong "điên" là như thế nào?

Đây là loại mật được lấy từ mật hoa của cây Rhododendron ponticum (một loài thuộc chi Đỗ quyên) và một số cây có độc tính cao khác. Mật "điên" thường xuất hiện tại Bắc Mĩ, châu Âu, miền Đông biển Đen, Nepal và Nhật Bản.

Loại mật này có vị đắng hơn mật thường. Mật độc hơn khi được thu hoạch vào mùa xuân vì đây là mùa nở hoa của giống đỗ quyên.

Loài hoa mang sắc tím này là nguồn gốc của thứ mật ong chết người.
Loài hoa mang sắc tím này là nguồn gốc của thứ mật ong chết người.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, mật ong "điên" là được dùng cho một bài thuốc có tên gọi deli bal, có thể chữa cao huyết áp, tiểu đường và bệnh dạ dày. Với đặc tính gây ảo giác mạnh, loại mật này cũng được cộng đồng người Gurung ở Nepal dùng như một chất kích thích, gây hưng phấn.

Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều, người dùng có thể bị ngộ độc, thậm chí tử vong. Và trong lịch sử chiến tranh, thứ mật ong chết người này từng được sử dụng như một loại vũ khí hữu hiệu.

Thứ vũ khí khiến cả đội quân phát cuồng

Có khá nhiều đội quân từng là nạn nhân của thứ mật ong này, như quân đội của Xenophon - tướng lĩnh Hy Lạp vào năm 401 TCN.

Nhà sử học Adrienne Mayor từ ĐH Stanford người có nhiều công trình nghiên cứu về vũ khí sinh hóa, thuật lại: "Vào năm 401 TCN, Xenophon đã dẫn đầu đoàn quân một vạn người Ba Tư trở về quê nhà. Trên đường hành quân, binh đoàn của ông nghỉ chân tại vùng Pontus trên bờ biển Đen, phía đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ".

"Tại đây, binh lính tìm được rất nhiều tổ ong nên đã lấy mật ra để uống".

Không lâu sau, Xenophon sững sờ khi phát hiện nhiều binh lính của mình phát điên rồi gục ngã, trong khi số khác thì tê dại và mất hết sức chiến đấu. May thay, đội quân của Xenophon đã kịp tỉnh táo trở lại trước khi quân địch tràn tới.

Pompey - vị tướng La Mã cổ thì không được may mắn như vậy. Năm 65 TCN, Pompey dẫn đoàn quân của mình tới đúng Pontus, nơi năm xưa lính của Xenophon gặp nạn. Họ cũng tìm được rất nhiều tổ ong và thu lấy mật, mà không biết rằng đó là bẫy của địch.

Trong cơn váng vất, hơn một nghìn quân La Mã đã bị phục kích và giết hại.

Đoàn quân của Pompey phải nếm trải một thất bại "ngọt ngào".
Đoàn quân của Pompey phải nếm trải một thất bại "ngọt ngào".

Thứ vũ khí ngọt ngào này còn có một "biến tấu"rượu mật ong. Rượu được làm từ mật ong lên men với nước, trộn thêm hoa quả và các gia vị. Và một lần nữa tại chính nơi ghi dấu vết xe đổ của Xenophon và Pompey, rượu mật ong được mang vào cuộc chiến.

Theo bà Mayor, trong chiến tranh hiện đại, chiêu thức này vẫn không mất đi tác dụng. "Kịch bản là nhờ đồng minh biếu quân địch thực phẩm, còn quân mình thì phục kích rồi lao ra tấn công khi địch trúng độc" – bà nói thêm.

Cập nhật: 14/04/2018 Theo helino
  • 32
  • 6.563