Sạc không dây trong những năm gần đây đã dần trở thành một chuẩn mực mới trên smartphone, nhưng liệu nó có đáng với số tiền bỏ ra?
Theo Digital Trends, khi nghe đến thuật ngữ "điện không dây", bạn sẽ có thể nhớ đến Nikola Tesla và kế hoạch vĩ đại nhất đời ông: cung cấp nguồn năng lượng không dây cho toàn thế giới. Dù Tesla là người tiên phong trong lĩnh vực này, công trình nghiên cứu của ông vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là rất phi thực tế theo quan điểm của thế giới. Tuy nhiên, kể từ đó, các nhà khoa học đã sử dụng những khái niệm của ông để xây dựng các ứng dụng thế giới thực cho điện không dây và sạc không dây.
Khác với kế hoạch của Tesla, thực chất điện không được "vận chuyển" qua không khí. Ở đây, thuật ngữ "không dây" ám chỉ việc bạn không cần phải cắm thiết bị vào ổ cắm trên tường hay các nguồn điện khác. Thay vào đó, bề mặt sạc và thiết bị được sạc phải có sự tiếp xúc với nhau.
Hiện nay, có hai tiêu chuẩn sạc không dây chính được phát triển. Một, với tên gọi là Qi, là sản phẩm của một nhóm các công ty được biết đến với cái tên Wireless Power Consortium. Tiêu chuẩn còn lại là AirFuel Alliance, hãng sản xuất một loạt các thiết bị thường mang thương hiệu PowerMat. Tuy hai nhóm này là đối thủ cạnh tranh lẫn nhau, công nghệ mà cả hai đang sử dụng về cơ bản là giống hệt nhau.
Công nghệ của cả hai tiêu chuẩn đều phụ thuộc vào hiện tượng cộng hưởng từ. Tuy nghe có vẻ phức tạp, quá trình truyền tải thực sự không quá khó hiểu như bạn tưởng. Nó bao gồm hai cuộn dây – một là thiết bị phát, một là thiết bị thu – để tạo một kết nối điện.
Bộ sạc cảm ứng gồm hai cuộn dây cảm ứng chính. Một được đặt trong "đế sạc" và chịu trách nhiệm tạo ra một dòng điện xoay chiều từ bên trong. Phần còn lại nằm trong các thiết bị di động cần sạc như điện thoại thông minh, máy tính bảng… Các cuộn dây có thể ở trong hình dạng một tấm phẳng gắn vào điện thoại, một mạch nhúng bên trong điện thoại, hoặc vỏ kiêm pin thay thế có một cuộn dây sạc bên trong.
Lợi ích lớn nhất của sạc không dây nằm trong cái tên của chính nó.
Khi nguồn điện vào đế sạc được bật lên, dòng điện xoay chiều chạy qua và tạo ra một trường điện từ (một từ trường thay đổi) xung quanh cuộn dây sơ cấp. Khi cuộn dây thứ cấp (cuộn dây nhận được đặt trong các điện thoại thông minh) đến đủ gần, một dòng điện được tạo ra trong cuộn dây. Dòng điện xoay chiều chạy qua cuộn dây trong điện thoại thông minh sẽ được chuyển thành dòng điện một chiều bởi các mạch thu. Dòng điện một chiều được tạo ra theo cách này cuối cùng sẽ được sử dụng để sạc pin điện thoại thông minh.
Lợi ích lớn nhất của sạc không dây nằm trong cái tên của chính nó: Bạn không cần phải quan tâm đến dây rợ lộn xộn nữa. Còn gì tồi tệ hơn khi bạn đang dùng điện thoại trong phòng tối và phải lọ mọ đi tìm bộ cáp sạc? Một điểm mạnh khác của công nghệ này là nó có thể được đặt vào trong rất nhiều vật dụng hàng ngày – như gian bếp hay bàn làm việc.
Việc cổng sạc không còn cần thiết nữa giúp các nhà sản xuất điện thoại có thể loại bỏ một "điểm thu hút" nước, bụi bẩn và các loại vật liệu ăn mòn khác trên sản phẩm của mình. Ngoài ra, sạc không dây cũng được tích hợp tính năng tự động ngắt sau khi đã sạc đầy.
Tuy là một công nghệ vô cùng hiện đại, sạc không dây vẫn là một quá trình rất thiếu hiệu quả. Khoảng một nửa nguồn năng lượng bị mất đi trong quá trình sạc, hoặc là trong quá trình tạo ra từ trường hoặc là trong quá trình gửi năng lượng từ cuộn dây phát đến cuộn dây thu. Đây cũng là lí do tại sao sạc không dây không thể (hoặc ít nhất là chưa thể) nhanh bằng sạc có dây.
Như đã đề cập ở trên, bề mặt sạc và thiết bị được sạc phải được tiếp xúc với nhau. Điều này có nghĩa là một khi bạn đặt điện thoại ra ngoài bề mặt sạc, quá trình sạc sẽ bị ngắt ngay lập tức. Ngoài ra, công nghệ sạc không dây khá tốn kém ở thời điểm hiện tại, nên nếu điện thoại của bạn không được tích hợp sẵn, bạn sẽ phải bỏ ra một khoản tiền đề mua các thiết bị hỗ trợ.
Bề mặt sạc và thiết bị được sạc phải được tiếp xúc với nhau.
Do cả hai công nghệ về cơ bản đều có chung nguyên lí hoạt động, việc đánh giá công nghệ của ai tốt hơn là rất khó. Tuy nhiên, chuẩn Qi là thứ thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Nhóm phát triển Wireless Power Consortium có hơn 200 công ty thành viên, và nó cũng là công nghệ được đa số các nhà sản xuất điện thoại lựa chọn cho sản phẩm của mình. Bên cạnh sạc không dây cho điện thoại, với yêu cầu nguồn điện 5 watt, Qi cũng đang được nghiên cứu với chuẩn sạc 120 watt cho màn hình và máy tính xách tay.
Tuy vậy, chúng ta cũng không nên bỏ qua AirFuel Alliance. Họ vẫn tập trung vào sạc cảm ứng, nhưng trong năm 2014, họ đã ký hợp đồng với một tập đoàn không dây liên doanh khác có tên Alliance for Wireless Power (A4WP). Công nghệ của A4WP hoạt động qua nam châm, và cả hai nhóm đều đang tích cực tập hợp các nguồn lực và xin cấp bằng sáng chế. Rất có thể, một số công nghệ thú vị mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới.
Sạc không dây tích hợp sẵn không thực sự quá phổ biến, và chủ yếu là chuẩn Qi. Trong tháng 9, Apple đã ra mắt ba siêu phẩm iPhone mới, và cả ba đều hỗ trợ sạc không dây chuẩn Qi. Nhìn chung, các thiết bị phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại có tích hợp sạc không dây bao gồm:
Phần lớn các thiết bị khác – bao gồm cả các mẫu iPhone đời cũ – cũng hỗ trợ sạc không dây nhưng bạn sẽ phải mua phụ kiện hỗ trợ như ốp lưng. Do những phụ kiện này không rẻ chút nào, tốt hơn hết bạn nên tìm cho mình những sản phẩm có tích hợp sẵn công nghệ sạc không dây trên thiết bị.