Sáng kiến Sa Pa vào chung kết

  •  
  • 256

Một dự án vừa sử dụng vừa bảo tồn các nguồn hương liệu thiên nhiên địa phương và đem lại lợi ích cho cộng đồng cơ sở ở Sa Pa đã lọt vào vòng chung kết giải thưởng quốc tế "Thách thức của thế giới" (World challenge awards). Giải thưởng do Tổ hợp truyền thông Anh BBC tổ chức.

Sáng kiến của Công ty Sapa Essential Ltd (SPE - có trụ sở tại thị trấn Sa Pa bắt đầu từ năm 2006, được chọn trong tổng số 930 đề xuất để cạnh tranh với 11 ứng viên cho giải thưởng tôn vinh các dự án và doanh nghiệp giúp cuộc sống của cộng đồng địa phương thay đổi. Giải thưởng 2007 sẽ trao cho "những nhóm thật sự tạo ra thay đổi trong kinh doanh và sáng kiến ở tầm cơ sở".

Tiêu dùng song hành với bảo tồn

Trong dự án, lần đầu tiên tại VN, bằng phát minh sáng chế được cấp cho Simpa, nhằm đảm bảo tri thức thuộc về cả cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Sa Pa. Với sự tài trợ của Chính phủ New Zealand, SPE đã tiến hành các nghiên cứu và điều tra về tác dụng của các loài cây thuốc và phát hiện nhiều tác dụng mới, chưa từng có sách báo nào nói đến.

SPE thành lập với sự hỗ trợ của Hiệp hội Cây thuốc bản địa (Simpa), một đơn vị ở địa phương gồm các dân tộc thiểu số, chế biến các giống cây địa phương thành các sản phẩm mới.

SPE hỗ trợ nông dân địa phương bằng cách mua các sản phẩm của Simpa sản xuất với "giá thương mại bình đẳng" nhằm đảm bảo thu nhập công bằng cho các thành viên của Simpa (tức mua theo giá người dân mong muốn), có thể đem lại lợi nhuận gấp 6-7 lần so với thu hoạch lúa, ngô và các cây nông nghiệp khác, gấp 10 lần so với thu hoạch cây su su.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, giám đốc SPE, cho biết những sản phẩm chế biến từ các cây trồng thiên nhiên do công ty chế biến là những sản phẩm mới chưa từng có trên thị trường. Trước đây, đồng bào dân tộc khai thác các loại thuốc từ rừng, chế biến và sử dụng để chữa bệnh. Tuy nhiên, do bà con chỉ khai thác mà không trồng nên có nhiều loài cây quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như cây bình vôi nhị ngắn, chùa dù...

"Muốn phát triển bền vững phải làm thành sản phẩm, giúp bà con có thu nhập. Như vậy, ở khía cạnh bảo tồn và người địa phương đều có lợi - bà Hà giải thích - Mục đích ban đầu của chúng tôi là giúp dân bảo tồn các loài cây quí và có thu nhập ổn định vì ở Sa pa chỉ có một mùa lúa, thời gian nông nhàn nhiều, cuộc sống khó khăn".

Sử dụng tri thức bản địa

Xu hướng trên thế giới hiện nay là người tiêu dùng hướng đến sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên. Các sản phẩm như xà bông, dầu tắm, tinh dầu, hương liệu giúp thư giãn do công ty sản xuất hiện chưa xuất hiện tại thị trường VN nhưng đã có mặt ở New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sản phẩm chế biến từ các loại cây thiên nhiên tại Sa Pa đang đem lại nguồn lợi cho người dân địa phương - (Ảnh: Sapaessentials.com)

Giải thích việc này, bà Hà cho biết sản phẩm tự nhiên là sản phẩm cao cấp, đắt tiền với chức năng thư giãn rất được người nước ngoài quan tâm. Ngoài ra, các loài cây được sử dụng là loài bảo tồn nên giá thành cao. "Khi người dân VN chưa hiểu nhiều thì họ chưa dám bỏ tiền nhiều để mua, nhưng ở nước ngoài ai cũng mong muốn sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên. Chúng tôi sẽ nhắm tới các đối tượng ở VN dần dần nhưng cần có thời gian để mọi người hiểu hơn về sản phẩm".

Một cách tiếp thị của sản phẩm là sử dụng các tri thức bản địa, điều mà theo bà Hà là "đặc biệt với các cộng đồng châu Âu. Ở các nước phát triển, bảo tồn cây là trách nhiệm xã hội, số tiền họ trả nhiều cho sản phẩm sẽ quay về cho cộng đồng".

Bà Hà cho biết số tiền quĩ do Simpa quản lý để đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương "hiện còn nhỏ”. "Điều lớn hơn chúng tôi nghĩ đến là tiền bản quyền có thể quay về; hàng triệu USD sẽ là quĩ của cộng đồng, công ty của chúng tôi không được động đến số tiền đó”.

Giải thưởng là một phần của chương trình "Thách thức thế giới" của BBC kể từ năm 2005, với sự phối hợp với hãng dầu nhớt Shell và tạp chí Newsweek (Mỹ). Chương trình đang được phát sóng trên mạng lưới truyền hình toàn cầu của BBC. Độc giả được khuyến khích bỏ phiếu cho dự án mà họ thích nhất. Đơn vị thắng cuộc sẽ được công bố vào đầu tháng mười hai và giải thưởng trị giá 20.000 USD.

Theo bà Hà, số tiền này có thể được sử dụng đầu tiên sẽ là làm tốt hơn quản lý chất lượng sản phẩm. Dự kiến trong tháng tới các sản phẩm sẽ được bán ở Hà Nội tại cửa hàng Craftlink (phố Văn Miếu), Tôi  (phố Nhà Thờ); còn ở Sa pa sẽ do Simpa trực tiếp bán và tại khách sạn catcat. Giá thành một lọ tinh dầu thư giãn khoảng 8 USD khi bán ở nước ngoài.

KHỔNG LOAN

Người dân đã đỡ vất vả

Ông Thomas Osborn, người Anh, tư vấn thực vật dân tộc của SPE, trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ qua điện thoại:

* Ông nhận định thế nào về công việc vừa khai thác vừa bảo tồn mà SPE đang làm?

Ông Thomas Osborn (Ảnh: TTO)- Với dự án bảo tồn có sự giúp đỡ của Chính phủ New Zealand hồi năm 2005 đối với các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, chúng tôi muốn tiếp tục sử dụng các thực vật được bảo tồn này để sản xuất sản phẩm một cách bền vững. Hiểu theo cách đó, tôi cho rằng công việc đến nay là thành công đối với người dân địa phương và cả công tác bảo tồn. Ở Sa Pa có hơn 800 loài thực vật có thể làm thuốc.

* Ảnh hưởng của việc kinh doanh đối với cuộc sống của người dân?

- Người dân có nhiều nguồn thu nhập hơn: từ mùa màng, từ bán các sản phẩm sơ chế cho công ty với giá bình đẳng và một số tiền trích từ mỗi sản phẩm bán ra. Chúng tôi chưa có số liệu cụ thể về mức tăng trưởng kinh tế, nhưng người dân địa phương nói rằng cuộc sống họ đỡ vất vả hơn, họ không phải lo về thực phẩm nữa.

* Trong tương lai, khi nhiều người biết đến các sản phẩm, công việc bảo tồn thực vật sẽ thế nào do sản phẩm phải nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường?

- Đây dĩ nhiên là vấn đề quan trọng, chúng tôi sẽ nghiên cứu cẩn thận. Hiện chúng tôi đang ở giai đoạn thử nghiệm nhưng chúng tôi hiểu là cần giúp những người dân địa phương trước. Chúng tôi không mở rộng kinh doanh quá lớn trong thời gian quá sớm.

Có người hiểu rằng các nguồn tài nguyên đang bị lạm dụng do họ khó tìm cây hơn ngày trước. Họ nhận thức rằng nên bảo vệ chúng. Nhưng họ phải sử dụng, phải có thu nhập. Họ hiểu bảo tồn tức là sử dụng, còn chúng tôi hiểu rằng tức là giữ gìn. 

Để bầu chọn, độc giả có thể vào trang http://www.theworldchallenge.co.uk/herbal.php. Cuộc bầu chọn sẽ kết thúc lúc 23g59 ngày 16-11-2007.

 

Theo Tuổi trẻ
  • 256