Sao Kim, Trái đất và sao Mộc hợp lực gây bão Mặt trời?

  •   44
  • 648

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức phát hiện mối tương quan giữa số lượng các vết đen Mặt Trời và sự thẳng hàng của sao Kim, Trái đất, sao Mộc. 

Hiện tượng chu kỳ Mặt Trời diễn ra khoảng 11 năm một lần. Chúng ta đang tiến sát đến điểm cuối của Chu kỳ Mặt Trời 24. Chu kỳ đầu tiên được nhà thiên văn học người Đức Samuel Schwabe ghi nhận vào năm 1843 sau 17 năm quan sát vết đen Mặt trời. Tuy nhiên từ đó đến trước nghiên cứu mới, các nhà khoa học chưa lý giải được chu kỳ 11 năm này.

Bão mặt trời năm 1859 làm vô hiệu hóa mạng lưới điện tín, gây cháy thiết bị điện tử ở Mỹ.
Bão mặt trời năm 1859 làm vô hiệu hóa mạng lưới điện tín, gây cháy thiết bị điện tử ở Mỹ. (Ảnh: Labroots).

Trong nghiên cứu mới đây, sử dụng mô hình máy tính, các nhà vật lý thiên văn của Hiệp hội Helmholtz tại Trung tâm Nghiên cứu Đức, phát hiện có một mối tương quan rõ ràng giữa số lượng các vết đen Mặt trời và sự thẳng hàng của ba hành tinh sao Kim, Trái đất, sao Mộc. Theo đó, dường như hợp lực thủy triều của 3 hành tinh này chính là cơ chế gây ra các chu kỳ Mặt trời.

Lực thủy triều, sinh ra do trường hấp dẫn tác động lên một vật thể, là một lực biểu kiến kéo giãn một vật thể theo hai hướng lại gần và ra xa so với khối tâm của một vật thể khác. Lực thủy triều tạo ra thủy triều, phá vỡ các thiên thể hay sự hình thành của các vành đai hành tinh.

Vì khối lượng của 3 hành tinh không thể sánh với khối lượng của Mặt Trời, chúng không thể tác động lên trường trọng lực của trung tâm Thái dương Hệ. Tuy nhiên, sự kết hợp của lực thủy triều khi 3 hành tinh này thẳng hàng, diễn ra với chu kỳ 11,07 năm, có thể đủ mạnh để tạo ra sự nhiễu loạn trong tán Mặt Trời.

Tán Mặt Trời, tức phần hào quang của plasma quanh trung tâm Thái dương Hệ, có thể mất tính toàn vẹn cấu trúc khi Mặt Trời tiến gần đến giai đoạn diễn ra nhiều hoạt động nhất trong chu kỳ 11 năm, do sự dao động của từ trường Mặt Trời. Kết quả là sự giải phóng khối lượng lớn plasma lẫn năng lượng từ trường của chúng vào khoảng không vũ trụ. Năm 1859, khi đến Trái Đất, chúng tạo nên bão Mặt Trời và làm vô hiệu hóa mạng lưới điện tín, gây cháy các thiết bị điện tử ở Mỹ.

Hoạt động của Mặt Trời, bao gồm số lượng và kích thước của các vết đen lẫn sự xuất hiện của các cơn bão Mặt Trời, thay đổi theo một mô hình riêng biệt trong một chu kỳ Mặt Trời. Việc hiểu bản chất của hiện tượng này giúp con người hạn chế thiệt hại mà chúng có thể gây ra cho Trái Đất. Nghiên cứu đã công bố trên tạp chí Vật lý Mặt Trời.

Cập nhật: 27/08/2019 Theo VnExpress
  • 44
  • 648