Sắp bào chế thành công vaccine dịch tả lợn Châu Phi

  •  
  • 401

Các nhà khoa học đã phân lập được một chủng virus ASF có độc lực thấp từ một con lợn rừng được nuôi ở Latvia từ năm 2017, tiền đề quan trọng để sản xuất vaccine ASF.

Đó là thông tin quan trọng vừa được đăng tải trên pig333.com, một trong những trang web uy tín hàng đầu thế giới về lợn. Thành quả nói trên thuộc về những nhà nghiên cứu Latvia và các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm tham chiếu Châu Âu về bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm tham chiếu Châu Âu và Latvia đang đạt những bước tiến quan trọng trong việc sản
Các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm tham chiếu Châu Âu và Latvia đang đạt những bước tiến quan trọng trong việc sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn Châu Phi.

Phát hiện cho thấy chủng virus ASF này không gây bệnh tích xuất huyết cho lợn, thuộc virus ASF type II (không có đoạn gen HAD) được gọi là chủng virus Lv17/WB/Rie1 hay còn gọi là chủng virus Latvian không HAD.

Theo các nhà khoa học Châu Âu, mục đích của nghiên cứu trên nhằm kiểm tra độc lực của chủng virus mới này. Trong điều kiện thí nghiệm, 2 con lợn bị nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi chủng Latvian không HAD này đã phát triển thành dạng bệnh tích cận lâm sàng và có những biểu hiện bệnh không phải là đặc trưng của ASF.

Hai tháng sau khi chúng nhiễm bệnh nguyên phát do chủng virus mới trên gây ra, cả 2 con lợn đều có khả năng chống lại sự phơi nhiễm (thông qua tiếp xúc) với chủng virus dịch tả độc lực cao (có chứa đoạn gen HAD). Nghĩa là kháng thể do chủng độc lực thấp sinh ra có khả năng bảo hộ chéo.

Theo các nhà nghiên cứu, những kết quả thí nghiệm trên cho thấy chủng Latvian không HAD có thể được sử dụng để phát triển thành 1 loại vacxin sống nhược độc chống lại các virus ASF type II.

Ngoài ra, việc phân lập được chủng virus nhược độc mới này cũng cho thấy sự tiến hóa tự nhiên của virus dịch tả lợn Châu Phi, nhất là sự xuất hiện của các chủng độc lực thấp hơn ở những khu vực địa lý có ASF lưu hành trong một thời gian dài. Và điều này giúp gia tăng sự xuất hiện của những động vật mang kháng thể chống lại virus (theo nghiên cứu của Arias và các cộng sự năm 2018).

Nhiều nghiên cứu khác trước đây cũng cho thấy có sự chọn lọc tự nhiên (một số heo trong đàn có khả năng tự bảo hộ trước dịch bệnh ASF) trong các quần thể heo như một số quần thể lợn rừng ở Estonia hay quần thể lợn ở các nước Châu Phi, khu vực giáp với sa mạc Sahara.

Dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu xuất hiện và biết đến ca đầu tiên vào năm 1920 tại Kenya, Châu Phi. Từ đó đến nay, đã gần 100 năm trôi qua, các nhà khoa học trên thế giới và nhiều công ty sản xuất vaccine vẫn miệt mài nghiên cứu nhằm tìm ra vaccine phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm gây chết nhanh 100% lợn nhiễm bệnh này. Với kết quả bước đầu của các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm tham chiếu Châu Âu và Latvia, hứa hẹn trong thời gian tới thế giới sẽ sản xuất được vaccine dịch tả lợn Châu Phi.

Cập nhật: 10/03/2019
  • 401