Sau 12 năm, sao Diêm Vương lại một lần nữa khiến người ta muốn gọi nó là hành tinh

  •   52
  • 5.380

Thực ra, vấn đề vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi. Theo bạn, sao Diêm Vương có xứng đáng để được gọi là một hành tinh?

Trước năm 2006 thì sao Diêm Vương (hay Pluto) vẫn luôn được xem là hành tinh thứ 9 của hệ Mặt trời. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, các nhà khoa học đã tìm được ngày càng nhiều vật thể có khối lượng tương tự với Pluto.

Trước năm 2006, sao Diêm Vương được coi là hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời.
Trước năm 2006, sao Diêm Vương được coi là hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời.

Hệ quả, Liên minh thiên văn Quốc tế (IAU) đã đặt ra một định nghĩa mới, trong đó những thiên thể muốn được coi là hành tinh thì cần phải đạt được một số quy chuẩn nhất định. Và cũng kể từ đây, Thái Dương hệ chỉ còn 8 hành tinh, vì sao Diêm Vương bị "giáng cấp" xuống thành hành tinh lùn.

Nhưng dù bị ruồng bỏ, Pluto cũng không hề cô đơn khi thu hút được một lượng lớn các nhà khoa học ủng hộ và tìm cách đòi lại "danh tính" cho nó.

Như mới đây, Alan Stern và David Grinspoon - 2 chuyên gia thiên văn trong dự án New Horizons đã đưa ra một bài viết trên Washington Post, trong đó có những luận điểm hết sức xác đáng về việc đòi hỏi công bằng lại cho Pluto.

Được biết năm 2006, định nghĩa hành tinh của IAU phải đảm bảo 3 tiêu chí.

  1. Phải có quỹ đạo quanh Mặt trời.
  2. Phải có lực hấp dẫn đủ mạnh để tạo thành một hình cầu - hoặc gần cầu.
  3. Các vùng lân cận quỹ đạo của hành tinh phải được dọn sạch trong quá trình hình thành.

Vì vùng lân cận của Pluto là vành đai Kuiper với quá nhiều thiên thể - thậm chí có những thiên thể mang khối lượng lớn hơn nó - nên không còn được gọi là hành tinh nữa.

Vành đai Kuiper
Vành đai Kuiper - thứ đã khiến Pluto không còn được coi là một hành tinh.

Nhưng theo Stern và Grinspoon, định nghĩa này đã không còn hợp với thời đại. Đầu tiên, nếu xét trên cả 3 tiêu chí thì có khi Trái đất cũng không được coi là một hành tinh nữa, vì vùng lân cận của chúng ta vẫn còn quá nhiều thiên thể bí ẩn vẫn chưa được dọn hết.

Hơn nữa, định nghĩa này lại không áp dụng được cho các ngoại hành tinh (exoplanet) - những hành tinh nằm ngoài hệ Mặt trời. Qua thời gian, ngày càng nhiều exoplanet được tìm ra, cũng như ngày càng có nhiều tiêu chuẩn lạ dành cho các hành tinh cần được bổ sung.

Và cuối cùng, cả 2 đều cho rằng Pluto hoàn toàn đủ tiêu chuẩn là một hành tinh. Lý do đơn giản là vì thuật ngữ "hành tinh" nên được dùng để mô tả một thế giới với những đặc điểm địa lý nhất định, thay vì chỉ chăm chăm chú ý đến quỹ đạo của nó.

"Chúng ta nên dùng từ "hành tinh" để mô tả các hành tinh với tính chất nhất định" - Stern cho biết.

"Khi nhìn thấy một hành tinh có các đặc điểm như: những rặng núi băng, sông băng từ nitrogen, một bầu trời xanh với một lớp khí quyển bao bọc, chúng ta sẽ chỉ gọi nó là hành tinh thôi. Và Pluto thì hoàn toàn giống như thế".

Một số chuyên gia thiên văn đầu ngành cũng không cho rằng Pluto là hành tinh.
Một số chuyên gia thiên văn đầu ngành cũng không cho rằng Pluto là hành tinh.

Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với họ.

Năm 2017, Stern và Grinspoon từng đưa ra đề nghị thêm vào một tiêu chí về định nghĩa hành tinh, đó là "Những thiên thể hình cầu nhỏ hơn một ngôi sao".

Nhưng rất tiếc, không nhiều nhà khoa học ủng hộ định nghĩa này, bởi vì nếu như vậy thì Mặt trăng của chúng ta cũng có thể coi là một hành tinh.

Một số chuyên gia thiên văn đầu ngành như Neil deGrasse cũng không cho rằng Pluto là hành tinh, với một lời khẳng định chắc nịch vào cuối năm 2017.

Nhìn chung, Pluto có được quay về làm một hành tinh nữa hay không chỉ chưa rõ, chỉ biết rằng tranh luận xung quanh nó sẽ còn dai dẳng rất lâu trong tương lai. Dù sao thì cũng chúc mừng Pluto, vì "cậu nhóc" đã bị ruồng bỏ nhưng không hề cô đơn.

Cập nhật: 11/09/2024 Theo helino
  • 52
  • 5.380