"Sự sống hoàng hôn" đang ngự trị ở hành tinh hai mặt?

  •  
  • 472

Một "thiết kế" hành tinh hoàn toàn khác với Trái đất - dạng "hành tinh nhãn cầu" cực đoan - vẫn có thể nuôi dưỡng sự sống theo cách bất ngờ.

Theo Science Alert, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà địa vật lý Ana Lobo từ Trường Đại học California Irvine (UCI - Mỹ) đã để cử thứ mà họ gọi là "hành tinh nhãn cầu" vào danh sách các thế giới nên được nghiên cứu sâu trong các cuộc tìm kiếm "miền đất hứa" của sự sống.

Các kính viễn vọng của NASA đã tìm ra khoảng 5.300 ngoại hành tinh, tức các hành tinh thuộc các hệ sao khác. Để tìm hiểu toàn bộ chúng là một công việc khổng lồ nên các nhà khoa học luôn cố tìm ra các "bộ lọc" phù hợp để xác định những loại nào có khả năng sinh sống cao nhất.

"Hành tinh nhãn cầu" mà nhóm nghiên cứu đề cập thường bị coi là khó sống.

Ảnh đồ họa mô tả một "hành tinh nhãn cầu" trông giống con mắt
Ảnh đồ họa mô tả một "hành tinh nhãn cầu" trông giống con mắt, với một nửa ban ngày, nửa ban đêm chủ yếu đóng băng nhưng có một vành đai lúc đóng băng lúc không ở phần tiếp giáp nửa ban ngày - (Ảnh: Ana Lobo)

Chúng là dạng hành tinh hai mặt, một nửa luôn là ban ngày, một nửa luôn là ban đêm, vì bị khóa thủy triều với ngôi sao mẹ, giống như cách Mặt trăng bị khóa thủy triều với Trái đất khiến chúng ta luôn nhìn thấy nó với một mặt duy nhất.

Mặt ban ngày quả thật khó để sống bởi hành tinh bị khóa thủy triều thường gần sao mẹ, do đó mặt này sẽ là một thế giới "hỏa ngục" quá nóng bỏng.

Nghiên cứu vừa công bố trên The Astrophysical Journal hướng tới nơi có tiềm năng hơn: Mặt ban đêm.

Đó phải là dạng hành tinh hai mặt có nhiều đất, bởi nếu quá nhiều nước thì số nước bị bốc hơi ở mặt ban ngày đủ bao phủ hành tinh trong một biển mây dày đặc, gây ra hiệu ứng nhà kính khắc nghiệt.

Một hành tinh hai mặt nhiều đất sẽ hội đủ điều kiện để các sông băng ở mặt ban đêm lạnh giá có thể tan chảy vào các mùa mà nhiệt độ tăng lên trên mức đóng băng, tạo ra một vành đai có thể ở được ở dải ban đêm tiếp giáp với ranh giới mặt ban ngày, khu vực "hoàng hôn" của hành tinh.

Trước đó, nhiều nghiên cứu từ chính các sinh vật cực đoan của Trái đất cho thấy nhiều sinh vật vẫn có thể tồn tại mà không cần có đủ đầy các yếu tố như nhiệt độ ôn hòa, ánh sáng ban ngày rực rỡ, thức ăn phong phú như chúng ta. Với một số, một chút ánh sáng hoàng hôn, một chút nước có thể đủ.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra các ngoại hành tinh hai mặt tốt nhất để nghiên cứu sẽ là những cái quay quanh sao lùn đỏ, dạng sao nhỏ, mờ, mát hơn Mặt trời rất nhiều, giúp các hành tinh ở gần tới mức bị khóa thủy triều không đến nỗi bị thiêu đốt bởi sao mẹ.

Ngôi sao nhỏ, mát tức vùng sự sống Goldilocks của nó cũng gần sao mẹ hơn, như vậy các hành tinh bị khóa thủy triều có thể lọt giữa vùng sự sống của hệ sao đó, như cách Trái đất nằm ngay giữa vùng sự sống của Mặt trời (vùng không gian từ sao Kim tới sao Hỏa).

Cập nhật: 20/03/2023 NLĐ
  • 472