Tại sao các phòng gym thường treo gương lớn ở khu tập tạ?

  •  
  • 1.709

Hầu như mọi phòng gym đều được trang bị những tấm gương lớn, có thể là bao quanh hoặc trên một bức tường cùng các giá để tạ. Sử dụng gương khi tập giúp bạn có thể quan sát tư thế khi nâng tạ để đảm bảo mình đang làm đúng và sử dụng đúng cơ. Vậy nếu bạn tự tập tại nhà mà không có gương thì phải làm thế nào?

Sự thật là dù là ở ga-ra, phòng khách hay sân sau thì đó không phải là những nơi tập tạ duy nhất trên thế giới mà không có gương. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi không nghĩ là những phòng tập dành cho vận động viên cử tạ, phòng thi đấu cử tạ hay cả những nơi tổ chức cuộc thi nghiệp dư được trang bị những tấm gương lớn.

Quan sát qua gương giúp bạn biết được và điều chỉnh chuyển động chính xác hơn
Quan sát qua gương giúp bạn biết được và điều chỉnh chuyển động chính xác hơn.

Vì sao cần gương?

Lắp gương trong phòng tập xuất phát từ truyền thống của môn thể hình khi tập luyện tập trung vào những nhóm cơ cụ thể. Quan sát qua gương giúp bạn biết được và điều chỉnh chuyển động chính xác hơn, và bạn cũng có thể quan sát nhóm cơ đang hoạt động.

Tôi thường thấy những tấm gương lớn được trang bị trong phòng tập gym, chúng thường đặt gần các khu tập tạ. Điều này rất hợp lý vì nếu bạn tập vai bằng tạ đơn, bạn sẽ có thể đảm bảo hai tay đang nâng đều nhau; nếu bạn tập cơ tay trước, bạn cũng có thể quan sát qua gương để đảm bảo khuỷu tay đang được cố định để cơ tay trước làm việc thay vì "ăn gian" một chút.

Nâng tạ trước gương cũng giúp bạn quan sát cơ thể và cân nhắc về ngoại hình của mình. Điều này có thể có lợi và cũng có thể có hại, nó phụ thuộc vào quan điểm của bạn về cơ thể của mình. Chắc chắn đã có lúc tôi nhìn bản thân trong gương và phát hiện một vài điểm ưa thích trên cơ thể mình. Nhưng đôi lúc nó cũng khiến tôi khắt khe hơn trong việc đánh giá ngoại hình của bản thân.

Vì sao bạn không cần đến gương?

Nếu bạn thực hiện các bài nâng tạ hỗn hợp, gồm các động tác cần nhiều bộ phận trên cơ thể chuyển động phối hợp với nhau, bạn sẽ không dễ dàng thực hiện được cho dến khi cơ thể có thể "cảm" được động tác.

Hãy thử quan sát mắt của những người tập tạ có kinh nghiệm khi thực hiện bài deadlift: họ đến trước thanh tạ, nhìn xuống và xác định vị trí đặt chân, nhìn thanh tạ và xác định vị trí đặt tay, cuối cùng là nhìn về phía trước và thực hiện bài tập. Không có lúc nào họ cần nhìn gương cả. Vậy thì vì sao bạn lại cần?

Trong vô số những video kiểm tra tư thế tập mà tôi đã xem, một người mới tập thường sẽ tìm một vị trí có gương bên cạnh để cảm thấy yên tâm. Họ nhìn vào gương khi tiến đến thanh tạ và cố định vị trí đặt chân. Họ nhìn vào thanh tạ để xác định vị trí đặt tay, sau đó lại nhìn vào gương để xem mọi thứ đã ổn chưa. Tiếp tục quay mặt về trước, nâng tạ, rồi lại nhìn vào gương ngay lập tức. Đầu của họ xoay liên tục khi phải nhìn vào gương và luôn tự hỏi rằng trông đã chuẩn chưa? thay vì tự hỏi là cảm giác đã đúng chưa?

Cho đến năm ngoái, tôi đi tập tại một phòng gym được ốp gương. Khi thực hiện bài squat, tôi luôn đứng quay mặt về gương. Như vậy tôi có thể quan sát mình đã xuống đủ thấp chưa. Nhưng khi tôi chuẩn bị cho kỳ thi đẩy tạ, tôi nhận ra mình không thể dựa dẫm hoàn toàn vào hình dáng. Tôi cần phải biết khi nào mình đã xuống đủ sâu. Tôi ngừng việc nhìn vào hông mình và tập cách nhìn vào một khoảng vô định khi tập. Rất nhanh chóng, cơ thể tôi đã có thể tự biết khi nào mình squat đủ sâu.

Bạn cần làm gì?

Nếu bạn không có gương, bạn có thể quay video lại để kiểm tra tư thế (hoặc nếu bạn có một bạn tập đáng tin cậy thì có thể hỏi họ). Tiến đến thanh tạ, thực hiện bài tập một cách tự tin và sau đó xem lại video để kiểm tra.

Phương pháp này không chỉ dành cho các bài tập tạ nặng. Bạn cũng có thể thực hiện các bài tập với tạ đơn trước điện thoại và sử dụng những lời nhận xét để tự dạy cơ thể cảm nhận khi thực hiện đúng.

Thời gian đầu tập luyện không có gương sẽ khiến bạn cảm thấy khó khăn một chút, nhưng khi cơ thể đã có thể cảm nhận thì mọi thứ sẽ ổn thôi.

Cập nhật: 15/01/2021 Theo vnreview
  • 1.709