Tại sao em bé trong bụng mẹ lại đạp?

  •  
  • 751

Lần đầu tiên cảm thấy đứa con trong bụng đạp là một cảm giác rất lạ mà người mẹ cảm thấy, nó như môt dấu hiệu báo cho người mẹ biết rằng đứa con bé bỏng trong bụng đã có suy nghĩ của riêng bé. Nhưng vì sao em bé lại đạp?

Mặc dù nằm trong bụng mẹ rất chật chội, có vẻ như không phù hợp để tập thể dục nhưng hóa ra những cử động đạp lại vô cùng quan trọng đối với sự phát triển xương và khớp của em bé.

Thai nhi bắt đầu cử động khi được khoảng 7 tuần tuổi bằng cử động ngoái cổ. Càng lớn bé càng có thêm các cử động khác như là nấc, cử động chân tay, duỗi, ngáp và mút ngón tay, nhưng người mẹ chỉ cảm nhận được khi bé đạp hoặc đấm, tức là vào khoảng 16 - 18 tuần thai, lúc này bé đã khỏe hơn và có những cử động mạnh hơn.

Vậy em bé chủ động thực hiện những cử động đó hay chỉ là do phản xạ? Theo kĩ thuật viên y sinh Niamh Nowlan ở Trường đại học Hoàng gia Luân-đôn thì những cử động ban đầu của bé chỉ đơn giản là phản xạ, nhưng dần dần các cử động đó cũng được bé chủ động thực hiện, "nó giống như là bộ não đã biết điều khiển bé cử động vào lúc nào và nhiều thế nào" (còn phản xạ thì chỉ do dây thần kinh tủy sống điều khiển chứ không cần phải do não điều khiển).

Em bé cần vận động để được khỏe mạnh sau khi ra đời.
Em bé cần vận động để được khỏe mạnh sau khi ra đời.

Các nhà khoa học thì chưa biết chắc chắn những cử động đó của thai nhi là tự phát hay do phản xạ, nhưng bà Nowlan nói rằng nghiên cứu khẳng định các cử động đó rất quan trọng, em bé cần vận động để được khỏe mạnh sau khi ra đời, vận động đặc biệt quan trọng đối với xương khớp của bé. Việc thai nhi thiếu vận động sẽ gây ra nhiều rối loạn bẩm sinh, ví dụ như khớp ngắn và xương mỏng dẫn đến dễ bị gãy xương.

Không có một tiêu chuẩn nào để đánh giá thai nhi đạp quá nhiều hay quá ít, các bà mẹ mang thai chỉ cần để ý xem em bé có những cử động quá bất thường nào không. Lời khuyên này có vẻ rất chung chung, nhưng cho đến nay các chuyên gia cũng chưa thể đưa ra tư vấn nào cụ thể hơn cả. Lý do của việc này là nghiên cứu chuyển động của thai nhi là việc cực kỳ khó, bởi vì cách duy nhất để đo được vận động của các bé là bà mẹ phải đến bệnh viện và mỗi lần cũng chỉ có thể đo được một khoảng thời gian ngắn.

Hiện nay, Nowlan và các đồng nghiệp của bà đang cố gắng hoàn thiện một thiết bị giám sát vận động của thai nhi mà người mẹ có thể đeo thường xuyên hàng ngày. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thiết bị này, họ cho 44 bà mẹ mang thai từ 24 đến 34 tuần sử dụng và thấy rằng thiết bị có thể đo chính xác nhịp thở, vận động bất chợt và các vận động chung chung khác của cơ thể thai nhi. Các kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí PLOS One vào tháng 5/2018.

Một nghiên cứu khác được công bố từ năm 2001 trên tạp chí Human Fetal and Neonatal Movement Patterns (Các hình thái vận động của thai nhi và trẻ sơ sinh) đã phát hiện ra rằng khi còn trong bụng mẹ, các bé trai thường vận động nhiều bé gái, nhất là các vận động ở chân vào các quãng tuần tuổi thứ 20, 34 và 37. Tuy vậy, số lượng đối tượng của nghiên cứu còn ít, chỉ có 37 trẻ được theo dõi, vì thế Nowland và các đồng nghiệp vẫn chưa khẳng định mối liên hệ giữa giới tính với vận động của thai nhi.

Mỗi bà mẹ lại nhận thấy con mình vận động theo cách khác nhau, và mỗi bà mẹ ở những lần mang thai khác nhau cũng tự thấy các con mình khác nhau. Chẳng hạn như với Nowlan, bà nói rằng lần mang thai thứ hai bà thấy con đạp nhiều hơn lần thứ nhất, bà còn cảm nhận rõ chân em bé đặt vào đâu, trong khi lần thứ nhất thì hầu như không cảm thấy gì. Bà đang tiến hành nghiên cứu để có thể kết luận sự khác biệt đó là do sau lần mang thai thứ nhất cơ bụng đã bị giãn ra, khiến cho những lần mang thai sau người mẹ dễ cảm nhận vận động của thai nhi hơn.

Theo một nghiên cứu mới của Nowlan và đồng nghiệp, vận động của thai nhi mà người mẹ cảm nhận rõ nhất thường gọi là "đạp". Ở tuần tuổi thứ 20, lực đạp của thai nhi mạnh khoảng 2kg và tăng lên đến 4kg ở tuần thứ 30. Sau thời gian đó, lực đạp của bé lại giảm xuống dưới 2kg. Các nhà khoa học giả định rằng lực đạp của bé giảm là do cơ thể bé lớn hơn, bụng mẹ đã trở nên chật chội khiến bé bị hạn chế cử động.

Ngoài cử động "đạp", thai nhi còn có các cử động khác. Vào khoảng tuần tuổi thứ 15, bé cũng có thể "đấm", mở miệng, ngậm miệng, quay đầu và mút ngón tay cái. Vài tuần sau, bé có thể mở, nhắm mắt. Tuy vậy, người mẹ chỉ có thể cảm nhận được những cử động mạnh của bé như đạp, đấm và nấc.

Thai nhi cũng có vận động "thở" nữa. Mặc dù bé chưa thực sự hít thở không khí, nhưng bé đã có vận động giống hệt như vậy, mà mỗi lần hít vào thở ra là nước ối thay vì không khí. Theo bà Nowlan, những bé nào không có vận động thở như vậy thường sẽ gặp vấn đề về hô hấp khi ra đời, vì cơ ngực của bé chưa phát triển.

Nói tóm lại, cảm giác thấy em bé cử động và đạp trong bụng mẹ là một cảm nhận rất lạ, nhưng đấy lại là một dấu hiệu của sự phát triển khỏe mạnh của bé.

Cập nhật: 02/07/2018 Theo Dân Trí
  • 751