Tại sao người châu Á hay bị đỏ mặt sau khi uống rượu?

  •   4,52
  • 3.124

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao có những người lại đỏ mặt dù chỉ uống một chút bia rượu? Và nếu bạn cũng thuộc tạng người này thì xin chia buồn, vì đó là một tin không vui chút nào.

Bạn bị đỏ mặt dù chỉ mới nhấp môi chút đồ uống có cồn? Thật ra, đây không phải vấn đề quá đáng ngại. Vì trung bình cứ 3 người trong khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc… lại có một người đã trải qua hội chứng đỏ mặt khi uống rượu, bia hay chất có cồn.

Biến dị di truyền trong cơ thể khiến nhiều người châu Á không dung nạp được rượu, dễ đỏ mặt, buồn nôn, ngứa khi sử dụng đồ uống có cồn.

Hiện tượng này còn được gọi là "Asian flush", gây ra bởi đột biến gene ức chế sự phân hủy chất độc trong đồ uống có cồn, dẫn đến tình trạng mẩn đỏ, thậm chí viêm nhiễm. Triệu chứng thường thấy là nóng người, ngứa ngáy, nổi mề đay như phát ban, lan rộng phía trên má và cổ, đồng thời cảm thấy khó chịu về mặt thể chất. Khoảng 40% người Đông Á có phản ứng với rượu ở dạng này.

"Một số người cảm thấy đau đầu, tim đập nhanh khi chỉ uống khoảng nửa ly. Họ thấy hơi nôn nao và chuếnh choáng, cảm giác xấu hổ ở một mức độ nào đó", Saw Hoon Lim, giảng viên cấp cao Khoa Hóa sinh và dược, Đại học Melbourne, nói, thêm rằng đây là cách cơ thể phản ứng với tác nhân nguy hiểm được đưa vào.

Hội chứng này xuất hiện bởi sự thiếu hụt của một trong những enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa cồn: aldehyde dehydrogenase, được di truyền chủ yếu ở người Châu Á. Loại phản ứng này khá hiếm gặp, nhưng cũng không quá xa lạ đối với những người ở khu vực khác.

Tuy nhiên, ngoài việc làm bạn bị đỏ mặt, hội chứng này còn mang đến những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến sức khỏe. Bài viết sau đây sẽ lý giải cơ chế của hội chứng này.

Cơ thể bạn phân giải cồn như thế nào?

Chất cồn được hấp thụ và phân hủy tại gan theo một quy trình gồm 2 bước. Ở bước đầu tiên, enzyme alcohol dehydrogenase chuyển hóa cồn thành một chất hóa học khá độc là acetaldehyde. Việc tiêu hóa loại chất có hại này vào cơ thể cũng là lí do khiến bạn cảm thấy choáng váng, buồn nôn sau mỗi lần uống.

Tiếp đó, một enzyme thứ hai, aldehyde dehydrogenase, sẽ chuyển đổi acetaldehyde thành axit axetic (thành phần có tính axit vô hại thường gặp ở giấm).

1/3 người Đông Á bị đỏ mặt sau khi uống rượu bia.
1/3 người Đông Á bị đỏ mặt sau khi uống rượu bia.

Thiếu Aldehyde dehydrogenase khá phổ biến ở người Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đa số họ sẽ thừa hưởng 2 bản sao gene khiếm khuyến của enzyme này từ cả bố lẫn mẹ. Theo đó, gan của họ sẽ tiếp tục tạo ra một phiên bản lỗi của loại enzyme này.

Còn những người chỉ thừa hưởng gene khiếm khuyết từ bố hoặc mẹ thì sản xuất cả enzyme bình thường lẫn bị lỗi. Tuy nhiên, kết quả của sự thiếu hụt này chỉ đến từ 1% toàn bộ hoạt động của enzyme, không phải như 50% mà bạn mong tưởng. Vì phiên bản lỗi này thì ít ổn định và các bản sao của enzyme cần kết hợp với nhau để hoạt động hiệu quả.

Nếu bạn bị thừa hưởng sự thiếu hụt dù là một phần hay toàn bộ aldehyde dehydrogenase thì acetaldehyde sẽ tích tụ nhiều, nhanh và “ở lì” trong cơ thể bạn ngay sau khi bạn vừa “nâng ly” – ngay sau đó là tất cả các cảm giác khó chịu đi kèm. Đó đích thị là những cảm giác “tàn tích sau cơn say mà bạn khá quen thuộc: buồn nôn, đổ mồ hôi, đau đầu, tim đập nhanh, chóng mặt, cùng với khuôn mặt đỏ bừng.

Đỏ mặt là dấu hiệu tốt hay xấu?

Điều đáng mừng là do thiếu hụt aldehyde dehydrogenase nên chứng nghiện rượu bia và các bệnh ung thư do rượu bia gây ra ít gặp ở Đông Á. Bởi vì các cảm giác khó chịu mà họ gặp phải sau khi uống bia, rượu khiến họ dần uống ít hơn.

Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi tin xấu. Nếu bạn thiếu aldehyde dehydrogenase, nhưng vẫn uống, thì bạn vẫn sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư liên quan đến rượu bia, chẳng hạn như ung thư thực quản. Nguy cơ này xảy ra cao nhất đối với những người thiếu hụt một phần. Bởi vì, phần enzyme còn lại hoạt động yếu khiến và khó có khả năng chống chịu lại những ảnh hưởng xấu từ việc uống rượu bia.

Những người bị đỏ mặt khi uống rượu bia có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư.
Những người bị đỏ mặt khi uống rượu bia có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư.

Mặc dù vậy, nhưng nhiều người thiếu hụt aldehyde dehydrogenase vẫn uống. Lí do khiến họ thích rượu bia thì khá là phức tạp. Có thể là do sự trao đổi chất hay các chất kích thích từ não, mà cũng có thể là vì các yếu tố xã hội.

Một số người cảm thấy “hưng phấn” mãnh liệt hơn những người khác khi uống rượu và điều này có thể góp phần dẫn tới việc nghiện.

Các nghiên cứu khác về thói quen uống rượu của các sinh viên đại học người Mỹ gốc Á đã chỉ ra rằng những ảnh hưởng từ xã hội có thể giúp giảm thiểu các tác động không dễ chịu đến cơ thể do sự thiếu hụt aldehyde dehydrogenase. Chẳng hạn như tiếp xúc với văn hóa uống rượu-bia từ nhỏ, áp lực từ phía bạn bè hay thái độ của gia đình đối với rượu bia...

Thuốc kháng histamine có làm bạn hết đỏ mặt?

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thuốc kháng histamine thường được quảng cáo với tác dụng làm giảm Hội chứng đỏ mặt khi uống rượu bia.

Đúng là có nhiều loại thuốc có thể làm giảm đỏ mặt, nhưng chúng không phải là thuốc kháng histamine truyền thống. Một số loại thuốc khác dùng để điều trị chứng trào ngược axit dạ dày (như Zantac và Tagamet) cũng có tác dụng giúp giảm đỏ mặt do rượu bia. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ để ngăn các thụ thể histamin H1 và không thể làm hết đỏ mặt do rượu bia.

Nếu bị thiếu aldehyde dehydrogenase thì tốt nhất hãy tránh bia rượu càng xa càng tốt.
Nếu bị thiếu aldehyde dehydrogenase thì tốt nhất hãy tránh bia rượu càng xa càng tốt.

Thuốc ức chế thụ thể H2 có ít tác dụng phụ và là loại thuốc tương đối an toàn. Có điều chúng chỉ làm giảm các triệu chứng chứ không làm giảm đi các tác động độc hại của acetaldehyde. Việc lạm dụng thuốc hay nhậu nhẹt quá mức có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư.

Vậy nên, nếu bạn bị thiếu aldehyde dehydrogenase thì tốt nhất hãy tránh bia rượu càng xa càng tốt. Nhưng nếu có uống thì chỉ nên uống một ít và để mặt đỏ tự nhiên thì tốt hơn.

Cho dù chất cồn được đưa vào cơ thể chúng ta dưới dạng nào đi nữa thì nó cũng đều được chuyển hóa cùng một cách. Nhưng nên nhớ rằng, lượng chất cồn bạn uống và tốc độ uống lại có ảnh hưởng khác nhau đến nồng độ acetaldehyde trong cơ thể của bạn.

Antabuse có phải là thuốc "thần"?

Dù đỏ mặt hay không thì chúng ta cũng nên tránh xa các loại đồ uống có cồn.
Dù đỏ mặt hay không thì chúng ta cũng nên tránh xa các loại đồ uống có cồn.

Từ lâu, người ta đã ghi nhận rằng công nhân trong các nhà máy cao su bị các triệu chứng tương tự khi họ uống rượu bia. Trong những năm 1930, Disulfiram, một loại chất hóa học bị cấm, đã được phát hiện và tới những năm 1950 thì nó đã được bán trên thị trường như thuốc Antabuse (thuốc dùng cai rượu). Trong những năm 1980, các chuyên gia nhận ra rằng Antabuse có thể ngăn chặn hoạt động của aldehyde dehydrogenase.

Do đó, dùng Antabuse có thể tạo ra sự thiếu hụt các aldehype dehydrogenase tạm thời và chỉ một lần uống cũng đủ tạo ra các triệu chứng khó chịu tương tự những người bị thiếu hụt do di truyền phái trải qua.

Nhưng đây chắc chắn không phải là “thuốc thánh” và tác dụng với tất cả mọi người. Đặc biệt, với những người bị thiếu aldehype dehydrogenase, những choáng váng, xây xẩm nhất thời vẫn chưa đủ để đưa họ tránh xa “con ma men”.

Cập nhật: 08/08/2024 Theo khampha/VNE
  • 4,52
  • 3.124