Có bao giờ bạn để ý rằng bàn chân (hoặc có khi là cả một phần chân) bị thò ra khỏi chăn khi bạn đang ngủ say không? Bạn có cảm thấy ngủ ngon hơn khi để bàn chân của mình bên ngoài chăn?
Con người là những sinh vật máu nóng. Đúng vậy. Nhưng là động vật máu nóng có nghĩa là gì?
Điều này có nghĩa là cơ thể chúng ta có thể tự sinh nhiệt, ngay cả khi trong trời rét. Cơ thể của chúng ta không chỉ chống chọi lại được với giá lạnh mà còn có thể chịu đựng nhiều loại thời tiết khác như nóng, oi bức, mưa, tuyết rơi… Các loài động vật máu nóng không bị phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, thay vào đó chúng tự duy trì nhiệt độ cơ thể của mình. Và hoàn toàn ngược lại chính là động vật máu lạnh.
Nói cách khác, nhiệt độ đóng vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại của chúng ta. Trong tất cả các bộ phận trên cơ thể, bàn chân là bộ phận quyết định thân nhiệt của chúng ta.
Tại sao lại như vậy?
Con người nói riêng và động vật máu nóng nói chung có một quá trình điều nhiệt riêng. Điều nhiệt là một quá trình, thông qua nó con người có thể duy trì nhiệt độ cơ thể ở một ngưỡng nhất định mà không bị phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Trạng thái mà nhiệt độ cơ thể của một sinh vật máu nóng ở mức bình thường được gọi là cân bằng nội môi. Tóm lại, điều nhiệt là các quy trình và cơ chế của cơ thể nhằm đảm bảo nó luôn ở trạng thái cân bằng nội môi.
Điều nhiệt chủ yếu hoạt động dựa trên sự đốt năng lượng, nhưng vẫn có một số cơ chế vật lý tham gia quá trình, ví dụ như đổ mồ hôi, run rẩy và sự tuần hoàn máu, tất cả đều góp phần vào việc duy trì thân nhiệt của chúng ta.
Tim đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thân nhiệt. Máu chảy từ tim đến các bộ phận và từng tế bào thông qua động mạch, sau đó quay lại tim bằng tĩnh mạch.
Hệ tuần hoàn của người. (Ảnh: Science ABC).
Khi nhiệt độ môi trường cao (trời nóng), máu sẽ lưu thông tự do, các mạch máu nở rộng giúp máu chảy qua chúng nhiều hơn. Mặt khác, khi trời lạnh (nhiệt độ môi trường thấp), các mạch máu sẽ co lại, do đó giảm lượng máu lưu thông qua chúng.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng phần đầu là nơi nhận cũng như giải phóng nhiều nhiệt lượng nhất trên cơ thể. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Hóa ra, bàn chân mới là nơi cơ thể giải phóng nhiệt lượng nhiều nhất.
Bàn chân không chỉ giúp chúng ta thực hiện hầu hết các hoạt động, nhưng vì bàn chân thuộc tứ chi nên chúng giúp giải phóng rất nhiều nhiệt lượng từ cơ thể.
Đầu tiên, bàn chân có bề mặt lớn và có nhiều mạch máu đặc biệt. Những mạch máu này có thể nở ra rất lớn, nhờ đó lượng máu lưu thông lớn hơn. Kết quả là nhiệt lượng từ cơ thể được giải phóng nhanh hơn. Khi nhiệt độ trở về mức bình thường thì những mạch máu ở bàn chân quay về mức bình thường.
Bàn chân thuộc tứ chi của cơ thể, do đó nó không có nhiều cơ ở bên trong. Điều này đồng nghĩa với việc bàn chân có thể hạ nhiệt độ nhanh hơn những bộ phận khác. Đồng thời, bàn chân thường không có lông, vì vậy quá trình tỏa nhiệt cũng diễn ra nhanh hơn.
Lòng bàn chân có diện tích lớn. (Ảnh: Science ABC)
Nếu bạn vẫn tò mò về bàn chân, thì nó vẫn còn một thứ bên trong có tên gọi là arteriovenous anastomosis, là nơi nối giữa động mạch và tĩnh mạch trước khi chúng chia thành các mao mạch. Khi nhiệt độ cao, nơi nối giữa hai mạch máu nở ra và cho phép máu lưu thông vào các mạch máu nhiều hơn.
Có bao giờ bạn để ý rằng bàn chân (hoặc có khi là cả một phần chân) bị thò ra khỏi chăn khi bạn đang ngủ say không?
Lý do là vì khi ngủ, cơ thể chúng ta tỏa ra rất nhiều nhiệt. Lượng nhiệt này không thể thoát ra do lớp chăn trên người bạn chặn lại. Vì vậy, để có thể duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường và tránh bị quá nhiệt, bàn chân của bạn sẽ tự động chui ra khỏi chăn để hạ thân nhiệt như một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Bạn có bao giờ cảm thấy thích thú vì điều này? Thực tế rằng nhiều người cảm thấy họ ngủ ngon hơn khi để bàn chân của mình bên ngoài chăn.
Vì vậy, hãy biết ơn bàn chân bé nhỏ của mình nhé. Mà không chỉ bàn chân đâu, toàn bộ các bộ phận trên cơ thể của chúng ta đều có những chức năng riêng của mình trong khi bạn đang say giấc nồng đấy.