Việt Nam, Thái Lan và Indonesia được chọn thử nghiệm điều chỉnh phác đồ điều trị Tamiflu trên bệnh nhân cúm tuýp A/H5N1 và loại bệnh cúm nặng khác.
|
Thuốc Tamiflu (Ảnh: media.noticias) |
Phác đồ mới nói trên hiện đang được thử nghiệm trong khuôn khổ
“Lập kế hoạch nghiên cứu tình trạng kháng thuốc Tamiflu”do Tổ chức Sức khoẻ Gia đình (có trụ sở tại Mỹ) tổ chức.
Tại cuộc họp tổ chức vào ngày 16/3 tại Hà Nội với sự tham dự của các nhà khoa học đến từ Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Anh và Mỹ, các nhà chuyên môn đã thống nhất sẽ thiết lập một mạng lưới nghiên cứu lâm sàng bệnh cúm của các nước Đông Nam Á.
Trong mạng lưới này, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia được chọn là nơi thử nghiệm điều chỉnh phác đồ điều trị Tamiflu trên bệnh nhân cúm tuýp A/H5N1 và loại bệnh cúm nặng khác.
Việc thử nghiệm tăng gấp đôi liều điều trị Tamiflu trên bệnh nhân cúm H5N1 dự kiến sẽ tăng từ 150mg lên 300mg/ngày/người. Đây là Chương trình thử nghiệm điều chỉnh phác đồ cúm, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức sức khỏe gia đình và Trường đại học của Anh khởi xướng.
Quyết định tăng gấp đôi liều Tamiflu được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm tăng liều ở động vật cho thấy virus cúm bị khống chế khá hiệu quả, trong khi ở một vài bệnh nhân cúm A/H5N1 được điều trị Tamiflu theo đúng phác đồ (150mg/người/ngày) thì mật độ virus lại không giảm.
5 cơ sở của Việt Nam được lựa chọn tham gia điều trị thử nghiệm là Viện Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Nhi đồng I, II và Bệnh viện Nhiệt đới (TP.HCM). Trên cơ sở kết quả thử nghiệm với kinh phí hỗ trợ thử nghiệm khoảng 2,5 triệu USD WHO sẽ đưa ra khuyến cáo mới về chế độ điều trị cúm bằng Tamiflu cho các quốc gia.
Được biết, tại Việt Nam từ trước đến nay đã ghi nhận 4 trường hợp bệnh nhân H5N1 kháng thuốc Tamiflu.
Thu Linh