Tàu vũ trụ của châu Âu và Nhật Bản chụp ảnh tự sướng với sao Kim

  •   1,52
  • 593

Chuyến bay qua sao Kim cung cấp cơ hội thử nghiệm những thiết bị trên tàu BepiColombo trước khi con tàu tiếp cận mục tiêu là sao Thủy lần đầu tiên.

Trên đường tới sao Thủy, tàu thăm dò BepiColombo của châu Âu - Nhật Bản bay qua sao Kim hôm 10/8, gửi về nhiều ảnh và kết quả đo khác có thể hé lộ thông tin mới về khí quyển của hành tinh. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đơn vị hợp tác với Cơ quan khám phá hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), công bố bức ảnh đầu tiên khi bay qua sao Kim, chụp không lâu sau khi BepiColombo bay gần hành tinh nhất vào tối ngày 10/8. Trong suốt lần tiếp cận này, tàu thăm dò bay tới cách bề mặt sao Kim 552km. ESA cho biết con tàu sẽ gửi về nhiều ảnh chụp hơn trong thời gian tới.

Tàu vũ trụ BepiColombo chụp ảnh với sao Kim trong lần bay gần hành tinh hôm 10/8.
Tàu vũ trụ BepiColombo chụp ảnh với sao Kim trong lần bay gần hành tinh hôm 10/8. (Ảnh: ESA)

Bức ảnh "tự sướng" đầu tiên với sao Kim, chụp vào 20h57 ngày 10/8 theo giờ Hà Nội, khi BepiColombo ở cách sao Kim 1.573km. Ba camera cung cấp nhiều ảnh đen trắng với độ phân giải 1024 x 1024 pixel, ban đầu nhằm theo dõi việc triển khai tấm pin mặt trời của BepiColombo sau khi phóng hồi tháng 10/2018. Nhưng từ đó, nhóm nghiên cứu trong dự án BepiColombo đã tìm những cách sáng tạo để tận dụng các camera trong 9 lần tàu vũ trụ bay qua sao Kim trên đường tới mục tiêu.

Hồi tháng 4/2020, BepiColombo chụp ảnh Trái Đất trong lúc bay qua hành tinh lần cuối từ khoảng cách 12.689 km. Tháng 10/2020, con tàu lần đầu tiên quan sát sao Kim khi lao qua hành tinh này ở cách 10.700 km.

Cơ hội chụp ảnh tiếp theo của BepiColombo sẽ rơi vào ngày 1/10 (chưa đầy hai tháng nữa). Đó là lúc tàu vũ trụ đặt theo tên nhà vật lý học người Italy Giuseppe (Bepi) Colombo lần đầu quan sát sao Thủy. Tổng cộng BepiColombo sẽ bay 6 lần qua hành tinh nhỏ nhất và gần ở gần Mặt Trời nhất trước khi tiến vào quỹ đạo định trước vào năm 2025. Mọi lần bay đều được thiết kế để điều chỉnh lộ trình của BepiColombo, giúp tàu bay chậm lại trước lực hấp dẫn của Mặt Trời để tiếp cận sao Thủy đúng hướng.

"Sao Kim là hành tinh rất sáng và những camera tự sướng đó không được chế tạo để quan sát vật thể sáng tương tự từ khoảng cách gần đến vậy", Johannes Benkhoff, nhà khoa học làm việc trong dự án BepiColombo ở ESA, giải thích lý do bức ảnh chụp sao Kim bị phơi sáng quá mức.

Tuy nhiên, BepiColombo cũng trang bị camera chụp ảnh nổi không thể dùng khi bay hành trình qua vành trong Hệ Mặt trời. Trên thực tế, BepiColombo bao gồm 3 tàu vũ trụ xếp chồng lên nhau, có nghĩa một số thiết bị bị khuất. Tàu vũ trụ mang theo hai tàu khác gồm Tàu bay quanh quỹ đạo sao Thủy của châu Âu và Tàu bay quanh quỹ đạo từ khí quyển sao Thủy của Nhật Bản, nằm ở đỉnh module chuyển tiếp. Với pin mặt trời 15 m, module chuyển tiếp chịu trách nhiệm đưa hai tàu quay quanh quỹ đạo tới sao Kim và sẽ bị loại bỏ sau khi bộ ba tàu đến đích. Chỉ khi tách ra và tiến vào quỹ đạo tương ứng, bộ đôi tàu mới sử dụng đầy đủ thiết bị.

Ngay ở cấu hình di chuyển, một số thiết bị đã thu thập dữ liệu hữu ích trong những lần bay qua. Lần bay gần nhất qua sao Kim có thể cung cấp thông tin đặc biệt thú vị về thành phần hóa học của khí quyển hành tinh. Tiếp theo, con tàu sẽ bay qua sao Thủy ở khoảng cách chỉ 200 km so với bề mặt hành tinh. Chuyến bay vào tháng 10 sẽ là lần đầu tiên một tàu vũ trụ ghé thăm hành tinh đá nóng rực gần Mặt Trời từ khi nhiệm vụ Messenger của NASA kết thúc năm 2015. Nhóm nghiên cứu BepiColombo hy vọng có thể khám phá một số bí ẩn của hành tinh như liệu nó có băng nước tại các hố vùng cực hay không.

Cập nhật: 14/08/2021 Theo VnExpress
  • 1,52
  • 593