Tên lửa Ấn Độ gặp sự cố thảm khốc khi phóng vệ tinh theo dõi Trái đất

  •   42
  • 983

Lần phóng vệ tinh đầu tiên trong năm 2021 của Ấn Độ đã kết thúc trong thất bại khi tên lửa gặp sự cố thảm khốc, khiến vệ tinh theo dõi Trái đất mất tích.

Theo Space, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết, vụ phóng vệ tinh theo dõi Trái đất ngày 12/8 của nước này đã thất bại.

Một tên lửa GLSV của Ấn Độ mang theo vệ tinh quan sát Trái đất EOS-O3
Một tên lửa GLSV của Ấn Độ mang theo vệ tinh quan sát Trái đất EOS-O3 đã cất cánh từ bệ phóng thứ hai của Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan trên đảo Sriharikota, Ấn Độ vào ngày 12/8 nhưng nó không thể tiếp cận quỹ đạo.

Theo đó, vệ tinh EOS-03 với chức năng theo dõi nhanh các thảm họa thiên nhiên như lốc xoáy, mây mù và giông bão, được phóng bởi phương tiện phóng vệ tinh không đồng bộ địa lý (GSLV) lúc 5h43 sáng 12/8 (theo giờ địa phương), từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở miền Nam Ấn Độ.

Vệ tinh dự định được đặt trong quỹ đạo địa tĩnh cách đường xích đạo Trái đất gần 36.000km. Các nhà khoa học đã gắn một kính viễn vọng lớn trên vệ tinh để nhìn xuống tiểu lục địa Ấn Độ.

Mặc dù quá trình cất cánh diễn ra suôn sẻ nhưng tên lửa đã thất bại trong giai đoạn cuối cùng, theo Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO).

"Hoạt động của giai đoạn đầu tiên và thứ hai diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đến giai đoạn cuối, hệ thống đánh lửa của động cơ tên lửa đã không hoạt động do sự cố kỹ thuật. Nhiệm vụ không thể hoàn thành như dự định", ISRO cho hay.

ISRO không cho biết thông tin tình trạng tên lửa GSLV và vệ tinh EOS-03, hiện đã mất tích sau sự cố phóng thất bại.

Jonathan McDowell, nhà thiên văn học làm việc ở Mỹ, cho rằng vệ tinh và tên lửa của Ấn Độ có thể đã rơi xuống biển Andaman, phía tây Thái Lan.

Ấn Độ nổi tiếng là nhà sản xuất vệ tinh chụp ảnh Trái đất và khả năng phóng vệ tinh lên quỹ đạo thấp với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với phương Tây.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Ấn Độ đã chuyển hướng sang lĩnh vực có tiềm năng sinh lời cao hơn là phóng các vệ tinh địa tĩnh có trọng lượng nặng hơn được sử dụng cho viễn thông và khí tượng học. Nhưng sự cố phóng GSLV hôm 12/8 đã phá vỡ chuỗi 14 lần phóng thành công của ISRO.

Cập nhật: 14/08/2021 Theo Dân Việt
  • 42
  • 983