Tên lửa có thể phá hoại tầng ozone

  •  
  • 750

Khói thoát ra trong các vụ phóng tên lửa có thể bào mòn tầng ozone, tạo điều kiện cho các tia tử ngoại có hại từ mặt trời xâm nhập vào trái đất. 

Tên lửa thải ra khí clo trên tầng bình lưu. Tại đây clo phản ứng với oxy và tạo ra clo oxit, một chất phá hủy ozone. Ảnh: nasaimages.org.


Nhờ các đạo luật quốc tế mà những hóa chất có hại đối với tầng ozone như chlorofluorocarbon (CFC), methyl bromide đang giảm dần. Nhưng khi phóng các tên lửa dùng nhiên liệu rắn, chúng thải trực tiếp khí clo ra tầng bình lưu (cách bề mặt trái đất khoảng 50 km). Tại đây clo phản ứng với oxy để tạo ra clo oxit - chất có khả năng hủy diệt ozone.

Trong bối cảnh các vụ phóng vệ tinh, tàu vũ trụ trên khắp thế giới ngày càng tăng, những quả tên lửa sẽ sớm trở thành hiểm họa đáng sợ nhất đối với tầng ozone. “Tình hình hiện nay chưa đến mức khẩn cấp, song nếu chúng ta đợi thêm 30 năm nữa, mọi chuyện sẽ khác”
, Darin Toohey, một nhà khoa học của Đại học Colorado (Mỹ), phát biểu.

Hiện nay Mỹ, Liên minh châu Âu và Ấn Độ sử dụng cả nhiên liệu lỏng và nhiên liệu rắn cho tên lửa của họ. Hỗn hợp này tồn tại dưới dạng bột hoặc tinh thể. Riêng Nga và Trung Quốc chỉ sử dụng nhiên liệu lỏng. Nhiều nhà khoa học cho rằng nhiên liệu lỏng trong tên lửa có mức độ gây hại đối với tầng ozone thấp hơn so với nhiên liệu rắn.

“Những tên lửa trong tương lai sẽ sử dụng nhiên liệu lỏng và chúng sẽ bay lên trời với tần suất gấp 10 tới 100 lần hỏa tiễn ngày nay. Với tần suất cao như thế, tôi đoán rằng tầng ozone sẽ chịu tác động tiêu cực trong vòng 10 đến 20 năm nữa. Tuy nhiên chúng ta chưa có bằng chứng để chứng minh nhận định này”, Martin Ross, một nhà nghiên cứu khí quyển của tập đoàn Aerospace tại thành phố Los Angeles (Mỹ), phát biểu.

Mỗi loại nhiên liệu trong tên lửa có mức độ ô nhiễm khác nhau. Một số nhiên liệu giải phóng các hoá chất vào tầng không khí thấp. Tại đây chúng nhanh chóng biến mất nhờ những cơn mưa. Một số loại khác thải hóa chất ở tầng bình lưu, nơi chúng tồn tại lâu hơn và phản ứng với hóa chất khác.

Từ năm 1979 tới năm 1990 lượng ozone trong tầng bình lưu suy giảm khoảng 5%. Vì tầng ozone ngăn cản phần lớn các tia cực tím có hại từ mặt trời, sự suy giảm của nó trở thành một mối quan tâm toàn cầu. Các nước đã ký kết Nghị định thư Montreal về hạn chế và chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng và sản xuất các hợp chất carbon của clo và flo cũng như các chất hóa học gây suy giảm tầng ozone khác.

Sự suy giảm ozone thay đổi tùy theo vùng địa lý và tùy theo mùa. Lỗ thủng ozone dùng để chỉ sự suy giảm ozone nhất thời hằng năm ở hai cực trái đất. Nồng độ clo tăng cao trong tầng bình lưu (clo xuất hiện CFC và các khí khác do loài người sản xuất ra bị phân hủy) chính là nguyên nhân gây ra sự suy giảm tấm áo giáp của trái đất này.

Theo VnExpress (National Geographic)
  • 750