Mặc dù được phát triển vào đầu những năm 1970, nhưng đến nay, tên lửa Stinger vẫn là một trong những vũ khí đáng sợ nhờ độ chính xác và tính linh hoạt cao.
Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, lực lượng phòng thủ của Ukraine do chủ yếu là bộ binh, nên rất dễ bị tấn công từ các máy bay trực thăng của phe đối diện. Đó là lý do tại sao Mỹ và đồng minh NATO của họ như Đức quyết định cung cấp cho Ukraine một loại vũ khí mạnh mẽ để mang lại lợi thế khi giao tranh nổ ra. Đó là hệ thống tên lửa phòng không Stinger.
Tên lửa Stinger với tốc độ gấp 2 lần vận tốc âm thanh và có tầm bắn gần 8km. (Ảnh: U.S. ARMY).
Tên lửa Stinger, có tên gọi chính thức là FIM-92A, được thiết kế để cung cấp cho bộ binh một phương án đối phó với máy bay và trực thăng bay tầm thấp. Từ quan điểm của những người lính trên mặt đất, máy bay địch bay ở tầm thấp thường là một vấn đề lớn, do các phương tiện này thường xuất hiện với mục tiêu đánh phá thành phố, gây ra lượng thương vong lớn bằng súng máy hoặc ném bom trực tiếp.
Thông thường, bắn hạ những chiếc máy bay này là cách dễ nhất để loại bỏ đi những mối đe dọa, và tên lửa Stinger làm xuất sắc trong nhiệm vụ này. Toàn bộ cấu tạo của tên lửa gồm hệ thống dẫn đường, đuôi lái, động cơ đẩy và đầu đạn.
Đuôi của tên lửa có 4 vây gấp, giúp ổn định và cân bằng tên lửa khi đang bay. Hệ thống dẫn đường của tên lửa gồm bộ phận tìm kiếm mục tiêu, dẫn hướng, điều khiển. Đầu đạn của tên lửa có sức công phá tương đương 0,45 kg thuốc nổ TNT, được bọc trong pyrophoric titan. Phần động cơ đẩy gồm 1 động cơ phóng và một động cơ bay lực đẩy kép, giúp tên lửa đạt vận tốc trung bình 2.400 km/h, gấp 2 lần vận tốc âm thanh trong không khí (Mach-2).
Cấu tạo của hệ thống phóng tên lửa Stinger. (Ảnh: U.S. ARMY).
Tên lửa Stinger sử dụng cảm biến IR/UV thụ động để theo dõi mục tiêu. Khi tên lửa được phóng ra khỏi bệ phóng, mục tiêu mà nó đang hướng tới có thể bị lệch tâm trên cảm biến hình ảnh. Khi điều này xảy ra, một hệ thống cảnh báo sẽ được kích hoạt, giúp tên lửa biết rằng nó đã đi chệch hướng, và hệ thống dẫn đường trong tên lửa phải xác định cách để quay trở lại đường bay đúng.
Thuật toán từ cảm biến sử dụng dựa trên góc lệch tâm và sự thay đổi góc bay theo tỷ lệ. Cụ thể, cứ sau 1/10 giây, tên lửa sẽ tính lại góc bay và thay đổi một lần. Bằng cách tự điều chỉnh như vậy, tên lửa có thể dự đoán đường bay của mục tiêu giống như cách mà chúng ta dự đoán đường đi của một vật thể đang chuyển động, và chọn vị trí chính xác để "tóm gọn" chúng.
Vào năm 2019, Quân đội Mỹ bắt đầu trang bị thêm cho các tên lửa Stinger của mình bằng các ống phóng gần. Công nghệ này cho phép tên lửa tiêu diệt các máy bay không người lái bằng đòn tấn công trực tiếp, hoặc bằng cách tự kích nổ khi đang ở gần chúng.
Nhờ nâng cấp này, tên lửa Stinger mang đến khả năng phòng thủ tốt hơn cho quân đội khi họ đối mặt với mối đe dọa từ các mục tiêu nhỏ và nhanh nhẹn.
Để phóng tên lửa Stinger, một người lính chỉ cần chĩa nó vào đối tượng, và chờ hệ thống định vị "khóa" mục tiêu trong giây lát. Sau đó họ có thể bóp cò để khai hỏa. (Ảnh: U.S. ARMY).
Tên lửa Stinger lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào những năm 1970. Trong suốt nhiều năm, tên lửa đã được thử nghiệm tính hiệu quả trong hàng loạt cuộc xung đột, có mặt tại nhiều "điểm nóng" chiến sự. Ngày nay chúng vẫn nằm trong kho vũ khí của hơn 19 quốc gia và được sử dụng bởi 4 lực lượng nòng cốt của quân đội Mỹ.
Jim Dubik, Cựu Trung tướng Lục quân từng trả lời tờ Army Times, cho biết Stinger là một vũ khí có tiềm năng trở thành "kẻ thay đổi cuộc chơi", nhờ mang lại cho binh lính trên mặt đất khả năng tranh giành quyền kiểm soát không phận và cản trở khả năng tiến công của đối phương.
Tính hiệu quả của vũ khí được chứng minh vào giữa những năm của thập niên 1980, khi các lực lượng kháng chiến ở Afghanistan sử dụng tên lửa Stinger do Cơ quan tình báo Trung ương CIA cung cấp để bắn hạ một số máy bay trực thăng của Liên Xô (cũ).
Một người lính du kích Afghanistan với tên lửa phòng không Stinger do Mỹ sản xuất. (Ảnh: AP).
Lý do hàng đầu khiến tên lửa Stinger trở thành vũ khí hiệu quả là bởi nó có tính di động cao và dễ dàng ứng phó trong mọi tình huống nguy cấp. Toàn bộ hệ thống phóng của tên lửa Stinger có trọng lượng tương đối nhẹ và tính di động cao, gồm tên lửa và ống phóng chỉ nặng khoảng 15kg.
Do đó, tên lửa thậm chí có thể được phóng dễ dàng bởi một người lính, hoặc một người dân thường đã được đào tạo. Đối với loại vũ khí này, người bắn chỉ cần ngắm bắn mục tiêu rồi khai hỏa, thay vì phải liên tục định hướng cho tên lửa bằng radar. Điều này cho phép họ sử dụng chiến thuật linh hoạt, có thể tiếp tục ẩn nấp, di chuyển đến vị trí mới, hoặc tấn công một mục tiêu khác.
Ngoài ra, tên lửa Stinger cũng thường được sử dụng khi gắn trên trực thăng chiến đấu AH-64 Apache của Quân đội Mỹ như một vũ khí không đối không chiến lược, hoặc gắn trên các phương tiện trên mặt đất.
Ngoài tính linh hoạt, tên lửa Stinger còn có độ chính xác rất cao, vì hệ thống này sử dụng thiết bị chiếu tia hồng ngoại để "khóa" mục tiêu, thường là dựa vào nhiệt phát ra từ ống xả của động cơ, và sẽ bắn trúng gần bất cứ thứ gì bay dưới độ cao 11.000 feet (3.352 mét).
Cách thức hoạt động này giúp cho Stinger còn có tên gọi là "kẻ tìm kiếm thụ động", vì nó không dùng sóng vô tuyến như trên một số tên lửa dẫn đường bằng radar. Chúng có thể bắn trúng các mục tiêu bay cao tới 3.500 mét, và có tầm bắn khoảng 8km.