Bảng dữ liệu trên do cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cung cấp cho thấy, hiện nay Trung Quốc chiếm phần lớn trong việc sử dụng than đá trên thế giới. Mặc dù đã có sự hỗ trợ ấn tượng từ chính quyền Bắc Kinh trong việc tìm ra nguồn năng lượng mới để thay thế và nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí, nhưng việc sử dụng than đá tại Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng mặc dù có tỷ lệ tăng chậm hơn trong nhưng năm gần đây.
Điều này là rất nguy hiểm không chỉ với người dân Trung Quốc (Bắc Kinh đã bị ô nhiễm không khí nặng nề thời gian gần đây) mà còn cho cả thế giới. Than đá là nguyên nhân gây ra 20% hiện tượng hiệu ứng nhà kính và khí thải ga, vốn là nguyên nhân hàng đầu làm biến đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí từ việc đốt cháy than đá gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người và đó cũng là lý do mà có một số nhà khoa học đã ví than đá là kẻ thù của loài người.
Dĩ nhiên, lý do than đá quá phổ biến tại Trung Quốc và phần lớn các nước trên thế giới là do nó rất rẻ. Đó là lý do tại sao mặc dù than đá nguy hiểm tới sức khỏe và môi trường, nhưng cả Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển nhanh khác không quay lưng với nó. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn ở những quốc gia nghèo cho tới khi nguồn năng lượng sạch có thể cạnh tranh với than đá về mặt giá cả - và ngày đó còn rất xa vời.
Biểu đồ của EIA cũng cho thấy khả năng hạn chế của Tổng thống Mỹ Obama trong việc đi tới thỏa thuận với các nước khác để chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Trên thực tế, phần lớn lượng khí thải carbon được thải ra từ những nước đang phát triển giống như Trung Quốc thì nguyên nhân cũng từ việc sử dụng than đá.
Như đã báo cáo trước đó, Mỹ đã hạn chế việc sử dụng than đá và cắt giảm lượng khí thải carbon trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thậm chí nếu than đá bị cấm sử dụng ở Mỹ, thì nó vẫn còn tiếp tục được đốt cháy với khối lượng hàng tỉ tấn ở các quốc gia khác.
Thế giới không thể chống lại sự biến đổi khí hậu cho đến khi con người chấm dứt việc sử dụng than đá nhiều như hiện nay, nhưng Mỹ khó có thể thuyết phục được Trung Quốc và Ấn Độ từ bỏ việc sử dụng nguồn năng lượng giá rẻ này.