Sự tiện dụng khi mang vác khiến laptop dễ rơi vào tầm ngắm của những kẻ tò mò và đạo chích. Các chuyên gia khuyến cáo người dùng phải mã hóa thông tin vì ngày càng có nhiều máy tính xách tay bị đánh cắp hoặc lỡ để quên.
Một trường hợp đáng chú ý là dữ liệu về 26,5 triệu cựu binh và nhân viên quân đội của Bộ Cựu binh Mỹ bị lộ vì lưu trên chiếc laptop đã "không cánh mà bay" khỏi nhà của một nhân viên thuộc cơ quan này.
"Số lượng laptop bị mất cắp thật sự gây sốc và điều lạ là người sử dụng không dùng cơ chế mã hóa để bảo vệ dữ liệu", Beth Givens, Giám đốc dự án nghiên cứu và giáo dục người tiêu dùng mang tên Privacy Rights Clearinghouse, cho biết. "Nếu kẻ cắp có chút kiến thức, chúng sẽ hiểu được mình có nhiều hơn một cái máy tính".
Trong nhiều trường hợp, nhân viên đã mang thông tin của công ty ra khỏi văn phòng bằng chiếc laptop. Tuy nhiên, họ không bảo vệ sự an toàn cho chúng và tỏ ra ngại ngần khi dùng các cơ chế mã hóa như cài password cho máy và các tập tin. Alan Paller, Giám đốc Học viện SANS chuyên nghiên cứu vấn đề bảo mật máy tính, giải thích lý do là nếu họ quên mật khẩu thì sẽ không mở được tập tin và các thao tác này có vẻ làm chậm công việc của họ.
Điều này đã khiến các nhà sản xuất máy tính lưu tâm và bắt đầu tích hợp cơ chế mã hóa vào sản phẩm. Ví dụ như hệ điều hành Windows Vista của Microsoft sẽ giúp người sử dụng dễ dàng mã hóa dữ liệu của mình hơn.
Các công ty có lượng lớn nhân viên di động cũng bắt đầu quan tâm đến điều này. Ví dụ như hãng tư vấn tài chính Ernst & Young với 30.000 máy tính xách tay phục vụ cho công ty đang mã hóa tất cả nội dung trên máy sau vụ thông tin về 243.000 khách hàng của họ chứa trong một chiếc laptop bị đánh cắp, bao gồm tên, địa chỉ, thông tin thẻ tín dụng.
Thuỳ Hương