TP HCM sẽ đào tạo nhân lực CNTT theo đơn đặt hàng

  •  
  • 141

Hôm qua, trong buổi gặp mặt đơn vị sản xuất và đào tạo điện tử - tin học tại TP HCM, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thời gian tới những nhà đầu tư lớn cần khoảng 9.000 nhân sự phần cứng. Đây là cơ hội và thách thức không nhỏ cho các trường ĐH và dạy nghề trên địa bàn.

Theo ông Nhân, nếu để các nhà đầu tư tự tìm kiếm, tuyển chọn nguồn nhân sự trên thì sẽ rất lâu. Và nếu thành phố không đáp ứng được nhu cầu của họ thì khó thu hút tiếp những tập đoàn công nghệ thông tin quốc tế lớn khác.

"Các đơn vị đào tạo cần nhận dạng quy mô, cơ cấu nghề nghiệp và chất lượng nhân lực mà nhà đầu tư cần thế nào? Khoảng cách về trình độ, cơ cấu chuyên môn và tốc độ cung ứng nhân lực trong 3 năm tới ra sao? Cách thức để doanh nghiệp sử dụng những người đã hoặc mới đào tạo...", ông Nhân nói. "Thành phố và doanh nghiệp sẽ không để cơ sở thiếu kinh phí. Vấn đề quan trọng là các trường phải chuyển từ đào tạo theo khả năng sang phục vụ nhu cầu". 

Tại buổi gặp gỡ với các đơn vị đào tạo ở TP HCM, đại diện của Intel cho biết, trong khoảng 5 năm nữa, nhà máy Intel tại Việt Nam cần chừng 1.200 nhân viên. Renasas cần 1.000 kỹ sư, trong đó, 500 người phải biết tiếng Anh. Còn Nedec cần tới 3.000 nhân công...

Theo khảo sát của Sở Bưu chính Viễn thông TP HCM, thành phố hiện có khoảng 50 trường đại học, cao đẳng có chức năng đào tạo về công nghệ thông tin, chiếm gần 50% tổng số trường cùng chức năng trong cả nước. 6 tháng cuối năm 2005, các trường tại thành phố "ra lò" khoảng 8.300 sinh viên, học sinh về công nghệ thông tin, trong khi nhu cầu tuyển dụng chỉ hơn 1.100 người. Như vậy, lượng người được đào tạo luôn lớn hơn số mà các công ty cần tuyển.

Nhưng cũng theo Sở Bưu chính Viễn thông thành phố, các công ty trên địa bàn luôn "kêu" thiếu nhân lực, tuyển dụng rất khó và tốn thời gian. Vì đa số các trường đại học, cao đẳng trong quá trình đào tạo đã cung cấp cho sinh viên những kiến thức căn bản. Nhưng sau khi tốt nghiệp, đa số sinh viên chưa thể đáp ứng ngay yêu cầu tuyển dụng của các công ty.

Tại buổi gặp gỡ, ông Trần Ngọc Cang, Giám đốc điều hành của Renesas ở Việt Nam, cũng nhìn nhận, phần đông kỹ sư mới ra trường không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của công ty. Mỗi lần tổ chức thi tuyển, Renesas nhận chừng 500 đơn thì có khoảng 300 người đủ điều kiện dự thi. Nhưng kết quả phỏng vấn cuối cùng chỉ được 30 người. "Các ứng viên thi trượt do yếu ngoại ngữ và cả kiến thức chuyên môn. Họ đọc tiếng Anh tốt nhưng không đối thoại được. Họ được học nhiều môn nhưng không có sự chuyên sâu môn nào", ông Cang lý giải.

Còn theo đại diện một số đại học, các trường không hẳn đào tạo kém về chuyên môn mà chỉ chưa thực sự thu hút, định hướng được nghề nghiệp cho sinh viên. Nhu cầu lớn nhất của sinh viên là việc làm nên các em dễ chọn những lĩnh vực khi tốt nghiệp có cơ hội được tuyển dụng ngay. Đơn cử, Đại học Bách khoa tuyển hơn 300 sinh viên hằng năm nhưng phần lớn nghiêng về học phần mềm hơn là phần cứng.

"Muốn có hiệu quả, các trường cần được tạo điều kiện để gắn với những tổ hợp công nghiệp. Vì đây chính là môi trường để thực nghiệm, nghiệm thu, điều chỉnh chương trình đào tạo. Và các trường sẽ có hướng bớt phần hàn lâm, cập nhật kiến thức hiện đại, kịp thời đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng hơn
", ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, bày tỏ thêm.

Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Sở Bưu chính Viễn thông và các trường đại học hợp tác cùng các nhà đầu tư trên địa bàn, thành lập một tổ công tác về chuẩn bị nhân lực cho công nghệ thông tin. Tháng 8 tới, UBND thành phố và tổ công tác này sẽ thống nhất phương án xây phòng thí nghiệm cho các trường, đào tạo nhân lực ngắn hạn cho nhà đầu tư lớn và đón đầu những đơn vị khác.

Thanh Lương 

Theo VnExpress
  • 141