Trái đất ngày càng xa mặt trời

  •  
  • 6.757

Mỗi năm khoảng cách giữa mặt trời và địa cầu tăng thêm 15 cm. Sự suy giảm động lượng của mặt trời có thể là nguyên nhân gây nên hiện tượng này. 

Khoảng cách giữa trái đất và mặt trời tăng thêm 15 cm mỗi năm.


Những người yêu thích thiên văn liên tục đo khoảng cách mặt trời và trái đất trong hàng nghìn năm qua. Vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, Aristarchus of Samos – nhà thiên văn đầu tiên đề cập tới thuyết nhật tâm – cho rằng khoảng cách giữa mặt trời và trái đất gấp 20 lần khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng. Tính toán của ông không chính xác, bởi con số thực sự khi đó là 400.

Vào cuối thế kỷ 20, việc đo đạc khoảng cách trong vũ trụ trở nên thuận lợi và thống nhất hơn nhờ sự ra đời của đơn vị thiên văn. Nhờ kỹ thuật đo bằng sóng radar (phát sóng tới các thiên thể rồi thu nhận tín hiệu dội lại, sau đó tính ra quãng đường bằng cách lấy thời gian nhân với vận tốc sóng), người ta đã tính được khoảng cách giữa mặt trời và trái đất với độ chính xác đáng kể. Hiện tại khoảng cách đó là 149.597.870.696 m.

Con số chính xác ấy cho phép Gregoriy A. Krasinsky và Victor A. Brumberg – hai chuyên gia về động lực học người Nga – phát hiện ra rằng mặt trời và địa cầu ngày càng xa nhau. Mức độ tăng không lớn – chỉ 15 cm mỗi năm – nhưng vấn đề là cái gì đã gây nên hiện tượng đó?

Một hướng giải thích là: Mặt trời đã mất lượng vật chất đáng kể do phản ứng nhiệt hạch và gió mặt trời, vì thế mà lực hấp dẫn của nó giảm. Nhiều nhà khoa học cho rằng quá trình giãn nở của vũ trụ, tác dụng của hố đen và sự thay đổi của hằng số hấp dẫn G mới là nguyên nhân. Tuy nhiên, chưa giả thuyết nào được chấp nhận rộng rãi.

Giờ đây 4 nhà khoa học của Đại học Hirosaki (Nhật Bản) khẳng định họ đã tìm ra câu trả lời. Trong một bài báo đăng trên tạp chí Astronomy & Astrophysics của châu Âu, họ cho rằng trái đất và mặt trời đẩy nhau do tương tác thủy triều của chúng.

Lực hấp dẫn từ mặt trăng gây nên hiện tượng thủy triều trên các đại dương của chúng ta. Nhờ một cơ chế nào đó mà mỗi năm quỹ đạo mặt trăng mở rộng thêm khoảng 4 cm, còn vận tốc xoay của quả đất giảm 0.000017 giây.

Nhóm chuyên gia Nhật Bản cho rằng lực hấp dẫn từ địa cầu, sao Hỏa, sao Kim và các hành tinh khác trong Thái Dương hệ cũng gây nên tác động tương tự trên mặt trời. Do mặt trời không có nước nên thủy triều không xảy ra. Thay vào đó các lớp vật chất của nó thoát ra ngoài vũ trụ. Theo tính toán của họ, do tác động của quả đất mà vận tốc xoay của mặt trời giảm 0.00003 giây mỗi năm. Như vậy, khoảng cách mặt trời – trái đất tăng dần do mặt trời đang mất dần động lượng góc.

Theo VnExpress (Newscientist)
  • 6.757