Tính đến ngày 20-11-2008, Trạm không gian quốc tế (ISS), một dự án vũ trụ quốc tế lớn nhất của thế kỷ 20 và thế kỷ 21, đã tròn 10 tuổi.
Cách đây đúng 10 năm (20-11-1998), dự án ISS được bắt đầu với việc chế tạo thành công môđun Daria tại trung tâm mang tên Khrunichev của Nga theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Boeing (Mỹ) và phóng thành công môđun này vào quỹ đạo.
Cuộc đàm phán về dự án ISS được bắt đầu năm 1993, thời điểm LB Nga đã có 25 năm kinh nghiệm sử dụng Trạm quỹ đạo "Chào mừng" (Saliut) và "Hòa bình" (Mir), các tàu có người điều khiển "Liên hợp" (Souz) và các tàu chở hàng lên vũ trụ "Tiến bộ" (Progress).
Đồng thời, ngành nghiên cứu và khai thác khoảng không vũ trụ Nga còn có nguồn kinh nghiệm phong phú của chuyến bay dài ngày nhất trong vũ trụ - 438 ngày đêm.
Sau cuộc gặp ngày 15-3-1993 giữa giám đốc lúc đó của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga Yuri Kopchev, tổng công trình sư Yuri Semenov và giám đốc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) Daniel Goldin, ngày 2-9-1993 thủ tướng Nga khi đó là ông Viktor Chernomyrdin và phó tổng thống Mỹ thời gian đó là ông Al Gore đã ký "Tuyên bố chung về hợp tác vũ trụ" nhằm chế tạo và phóng vào quỹ đạo ISS.
Ngày 2-11-2000, tàu "Liên hợp TM-31" lần đầu tiên đưa đội du hành quốc tế gồm hai người Nga Yuri Ghidzenko và Sergey Krikalev và nhà du hành Mỹ Williams Shepard lên ISS.
Kể từ thời điểm đó, ISS luôn có các nhà du hành quốc tế hoạt động và trạm này đã đón tiếp tổng cộng 18 đội bay. Từ năm 2009, đội bay quốc tế hoạt động thường xuyên trên ISS sẽ được tăng từ 3 người lên 6 người. Trong 10 năm qua, ISS đã tiếp đón 168 nhà du hành và khách du lịch thuộc 15 nước thế giới.
Trọng lượng hiện tại của ISS là hơn 300 tấn và sẽ đạt 377 tấn sau khi được hoàn thiện. Lúc đầu các nhà khoa học dự tính thời gian hoạt động của ISS trên quỹ đạo là 15 năm. Hiện 16 nước tham gia dự án ISS đang vạch kế hoạch kéo dài "tuổi thọ" ISS đến năm 2020 và biến nó thành "cảng vũ trụ" để chuẩn bị cho các chuyến nghiên cứu - thám hiểm giữa các hành tinh.