Trạm vũ trụ tư nhân sẽ được phóng lên quỹ đạo năm 2027

  •  
  • 182

Nanoracks, Voyager Space và Lockheed Martin hôm 21/10 thông báo họ lên kế hoạch phóng một trạm vũ trụ tư nhân bay tự do ở quỹ đạo thấp của Trái đất năm 2027.

Thiết kế của trạm vũ trụ Starlab.
Thiết kế của trạm vũ trụ Starlab. (Ảnh: Nanoracks/Lockheed Martin/Voyager Space).

Trạm vũ trụ mang tên Starlab sẽ trở thành địa điểm du lịch cũng như trung tâm nghiên cứu và sản xuất giúp tăng cường phát triển kinh tế ngoài Trái đất. Để đáp ứng nhu cầu của chính phủ Mỹ, các cơ quan vũ trụ quốc tế và nhu cầu thương mại trong không gian, 3 công ty đầu ngành sẽ phát triển Starlab để phát triển kinh tế không gian và đáp ứng nhu cầu của khách hàng đối với dịch vụ vũ trụ như nghiên cứu vật liệu, phát triển cây trồng và hoạt động phi hành gia.

Trạm Starlab sẽ cất cánh năm 2027 với sức chứa 4 người. Trạm sẽ có một module sinh hoạt có thể tích 340 m3, bộ phận cung cấp điện và lực đẩy, phòng thí nghiệm và cánh tay robot lớn ở bên ngoài để phục vụ bốc dỡ hàng, theo Nanoracks. So với Starlab, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có thể tích 916 m3, tương đương máy bay phản lực Boeing 747.

Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, Starlab sẽ phải đối mặt với một số đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, Axiom Space ở Houston dự định phóng một module tư nhân lên ISS năm 2024 và 3 module khác vào cuối năm 2027, theo đại diện công ty. Các module đó có thể tách ra và hoạt động như trạm vũ trụ thương mại bay tự do. Công ty Sierra Space ở Colorado cũng lên kế hoạch phát triển một trạm vũ trụ tư nhân bay quanh quỹ đạo.

NASA hy vọng những trạm vũ trụ thương mại như vậy sẽ thế chỗ trạm ISS nhiều khả năng ngừng hoạt động trong khoảng năm 2028 - 2030. Trạm vũ trụ cũ kỹ này đã tiếp các đoàn phi hành gia liên tục từ tháng 11/2000. NASA đã thành lập dự án mang tên Commercial LEO Destinations (CLD) để thúc đẩy sự chuyển giao. CLD sẽ hoạt động thông qua chiến lược hai giai đoạn, dựa vào các chương trình chở phi hành đoàn và hàng hóa thương mại như tàu Dragon của SpaceX.

Cập nhật: 25/10/2021 Theo VnExpress
  • 182