Trung Quốc đã công bố kế hoạch mới nhất, tìm kiếm những hành tinh có sự sống ngoài hệ Mặt trời bằng cách dùng kính viễn vọng âm thanh lớn nhất thế giới để dò từ trường
Trên tạp chí Nghiên cứu Thiên văn và Vật lý thiên văn, nhóm nghiên cứu thuộc Dự án Kính viễn vọng Âm thanh Hình cầu khẩu độ 500 mét (FAST) của Trung Quốc đã công bố các kế hoạch tham vọng của họ trong thập kỷ tới, trong đó có sứ mạng săn tìm các hành tinh có sự sống.
FAST là một kính viễn vọng có đường kính lên tới 500 mét, được đặt tại vùng lòng chảo núi đá vôi Dawodang ở tỉnh Quý Châu. Công trình này đã đi vào vận hành từ tháng 9/2016.
Một trong những sứ mạng khoa học chính của FAST là “nghe ngóng” các ẩn tinh và những tín hiệu âm thanh liên sao, trong đó có bất cứ tín hiệu nào đến từ các “Trái đất” khác trong vũ trụ. “Về lý thuyết, nếu có nền văn minh ngoài vũ trụ, tín hiệu âm thanh mà nó phát ra sẽ tương tự với tín hiệu mà chúng ta nhận được khi một ẩn tinh (sao neutron) tiếp cận chúng ta”, ông Qian Lei, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc phát biểu trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Kính viễn vọng lớn nhất thế giới ở Quý Châu. (Ảnh: Newsweek).
Giới khoa học từ lâu đã cố gắng tìm kiếm các hành tinh có thể có sự sống, nhưng họ tập trung vào thành phần của hành tinh đó, khoảng cách so với ngôi sao của nó (để phán đoán liệu nước có thể tồn tại) và xem liệu hành tinh đó có bầu khí quyển hay không. Đây là những đòi hỏi cần thiết để sự sống trên Trái đất tồn tại, vì thế nó cũng có thể đúng với các hành tinh khác.
Tuy nhiên, trong ấn phẩm mới nhất, các nhà nghiên cứu người Trung Quốc và Pháp làm việc tại FAST cho biết họ đang lên kế hoạch tìm kiếm các ngoại hành tinh nằm cách xa Trái đất khoảng 100 năm ánh sáng bằng cách xem xét từ trường.
Từ trường của Trái đất chúng ta bảo vệ hành tinh khỏi gió Mặt trời – vốn là những luồng hạt điện tích giải phóng từ Mặt trời, sẽ cuốn sạch khí quyển của Trái đất nếu như không có từ trường che chắn.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, do từ trường của Trái đất cung cấp tấm áo bảo vệ sự sổng trên hành tinh, nên sẽ là hợp lý khi cho rằng điều này có thể đúng với các thế giới khác nằm sâu trong vũ trụ.
“Nếu Trái đất ngừng quay, từ trường sẽ biến mất. Nếu không có sự bảo vệ của từ trường, khí quyền Trái đất sẽ bị cuốn bay bởi gió Mặt trời. Do đó, con người và hầu hết các sự sống sẽ không thể sống sót khi đối mặt với các điều kiện môi trường khắc nghiệt của vũ trụ”, Tân Hoa xã dẫn lời nhà khoa học trưởng của FAST Li Di cho biết.
Theo ông Li, nhóm của ông có thể nghiên cứu từ trường bao quanh các ngoại hành tinh bằng cách tìm kiếm sự tương tác giữa gió Mặt trời (hay gió sao) với từ quyển – một quá trình sẽ giải phóng ra bức xạ âm thanh. “Tất cả các hành tinh có từ trường trong hệ Mặt trời của chúng ta đều được phát hiện giải phóng bức xạ âm thanh, vốn có thể đo lường và nghiên cứu bởi các kính viễn vọng âm thanh. Nhưng việc nghiên cứu các từ trường của hành tinh lại không tiến hành được bằng các thiết bị quan sát thiên văn hồng ngoại và quang học. Liệu các ngoại hành tinh có từ trường hay không? Nếu có, thì hẳn chúng cũng sẽ phóng ra bức xạ âm thanh dưới sự tác động của gió từ những ngôi sao mẹ của chúng (giống như gió Mặt trời)", nhà khoa học Li Di nói.
Ông Li cho hay nếu có thể xác nhận sự tồn tại của một từ trường bằng cách sử dụng FAST, nhóm nghiên cứu của ông sẽ có thể nghiên cứu nó để xác định liệu có sự sống tồn tại trên hành tinh đó hay không.