Từng được xem như cuộc cách mạng vũ khí, pháo điện từ đã bị Hải quân Mỹ khai tử

  •   44
  • 1.631

Nhiều năm nay, Hải quân Mỹ đã đầu tư khoảng 500 triệu USD cho dự án nghiên cứu công nghệ Pháo Điện từ (electromagnetic railgun) – loại vũ khí mới với khả năng bắn ra những viên đạn với tốc độ siêu thanh. Tuy nhiên dường như dự án nghiên cứu công nghệ này đã đi vào ngõ cụt khi báo cáo mới nhất cho thấy, cơ quan này không còn bổ sung ngân sách cho nó nữa.

Trong khi các loại vũ khí thông thường dùng khí nén từ thuốc nổ để đẩy đầu đạn ra khỏi nòng súng và bay theo đường đạn đạo để đến đích, pháo điện từ ray điện trường và từ trường để tăng tốc viên đạn trong nòng – thường là một cặp đường ray bằng kim loại.

Pháo điện từ là loại vũ khí mới với khả năng bắn ra những viên đạn với tốc độ siêu thanh.
Pháo điện từ là loại vũ khí mới với khả năng bắn ra những viên đạn với tốc độ siêu thanh.

Về lý thuyết, loại vũ khí này sẽ an toàn hơn đáng kể cho người dùng khi nó giúp giảm lượng thuốc nổ phải dự trữ trong kho đạn chứa trên tàu khi di chuyển. Ngoài ra sơ tốc đầu đạn được phóng ra theo công nghệ này cũng nhanh hơn nhiều so với các loại pháo truyền thống.

Nguyên lý pháo điện từ railgun
Nguyên lý pháo điện từ railgun.

Bất chấp các ưu điểm trên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Hải quân Mỹ dừng phát triển loại súng này dù họ đã theo đuổi nó từ năm 2005 đến nay. Cho đến nay, mới chỉ có 3 tàu thuộc lớp tàu khu trục lớp Zumwalt đủ khả năng trang bị loại súng này. Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã bắt đầu đóng các tàu khu trục lớp DDG(X) thế hệ mới và gần như loại pháo điện từ mới này không có cơ hội kịp hoàn thiện công nghệ để được trang bị trên lớp tàu chiến mới này.

Ngoài ra đối với mô hình chiến tranh hiện đại, tầm bắn từ 80km đến 160km của loại pháo điện từ này đã trở nên quá ngắn so với các tên lửa tầm gần hiện nay. Ngay cả khi pháo điện từ có khả năng phòng ngự để chống lại các vũ khí khác như máy bay, tên lửa và drone, Hải quân Mỹ vốn đã có sẵn nhiều loại vũ khí khác để chống lại những mối đe dọa này.

Tàu vận tải Millinocket
Hải quân Mỹ từng dự định trang bị pháo điện từ cho loại tàu vận tải Millinocket, nhưng cũng đã phải dừng lại.

Hơn nữa, pháo điện từ còn đang trở thành nạn nhân của một xu hướng vũ khí mới: vũ khí siêu âm. Hợp tác với Lục quân Mỹ, mới đây Hải quân Mỹ cũng đã phát triển thành công tên lửa C-HGB (Common Hypersonic Glide Body) – loại tên lửa siêu âm có tốc độ March 17 (nhanh gấp 17 lần tốc độ âm thanh) và có tầm bắn đến hơn 2.200km. Các ưu điểm này biến những khẩu pháo điện từ trở nên lỗi thời nếu so sánh với chúng.

Từng một thời được ca ngợi như cuộc cách mạng về vũ khí, dường như pháo điện từ chỉ là một thử nghiệm tốn kém của Hải quân Mỹ để thấy được những khó khăn trong việc áp dụng chúng vào thực tế như thế nào.

Cập nhật: 29/06/2021 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 44
  • 1.631