Ung thư không cần xạ trị nhờ xét nghiệm máu sau phẫu thuật

  •  
  • 359

Xét nghiệm đang được thực hiện tại hơn 40 bệnh viện ở Úc và New Zealand sẽ giúp các bệnh nhân ung thư sớm thoát khỏi những đợt hóa trị thừa thãi sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u.

Các nhà khoa học đang thử nghiệm một loại xét nghiệm máu mới giúp các bệnh nhân ung thư đã qua phẫu thuật biết rõ tế bào ung thư có còn sót lại trong cơ thể mình sau phẫu thuật hay không.

Khi các tế bào ung thư suy yếu và chết đi, chúng sẽ giải phóng các chất thải trôi tự do vào dòng máu luân chuyển khắp cơ thể, trong đó có loại DNA đặc biệt của ung thư. DNA này được gọi là DNA ung thư tự do trong máu (ctDNA). Việc phát hiện được DNA sau phẫu thuật chỉ ra rằng các tế bào ung thư siêu nhỏ mà các loại xét nghiệm tiêu chuẩn không “bắt” được vẫn còn trong cơ thể bệnh nhân.

Xét nghiệm máu ctDNA giúp phát hiện nguy cơ tái phát ung thư qua tỉ lệ DNA ung thư trong máu.
Xét nghiệm máu ctDNA giúp phát hiện nguy cơ tái phát ung thư qua tỉ lệ DNA ung thư trong máu. (Ảnh: Medical Xpress).

Nghiên cứu mới cho thấy các bệnh nhân có kết quả ctDNA dương tính sau phẫu thuật có nguy cơ tái phát ung thư cực cao, lên tới gần 100%, còn những người có kết quả ctDNA âm tính thì rủi ro tái phát rất thấp, dưới 10%.

Loại xét nghiệm mới đã được thử nghiệm trên các bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn sớm từ năm 2015. Các kết quả cho thấy xét nghiệm ctDNA có thể phân loại bệnh nhân thành hai nhóm rủi ro thấp và cao. Thử nghiệm đã được mở rộng cho phụ nữ ung thư buồng trứng từ năm 2017 và sẽ sớm bắt đầu trên bệnh nhân ung thư tuyến tụy.

Xét nghiệm máu ctDNA rất có ý nghĩa vì hiện nay chưa có phương pháp nào khác đáng tin cậy để xác định khả năng tái phát ung thư sau phẫu thuật, do đó các bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm thường được hóa trị sau khi điều trị phẫu thuật để phòng ngừa. Theo The Conversation, việc hóa trị để dọn dẹp các tế bào ung thư còn sống sót để lại nhiều phản ứng phụ nghiêm trọng. Trong ngắn hạn, hóa trị làm cho bệnh nhân đau đớn, mệt mỏi, buồn nôn, nhiều vấn đề tiêu hóa, chảy máu, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Về dài hạn, hóa trị gây ra nhiều rắc rối cho trí nhớ, thần kinh, phổi, tim và khả năng sinh sản.

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm ctDNA cũng sẽ hỗ trợ các bác sĩ gia giảm liều lượng thuốc tùy theo rủi ro ung thư ở các bệnh nhân cần hóa trị.

Khi một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, như ung thư đại tràng giai đoạn sớm. Khi phẫu thuật, các khối u của họ chỉ giới hạn ở đại tràng mà không có bằng chứng di căn sang nơi nào khác trong cơ thể. Nhưng sau phẫu thuật, dù thành công, khoảng 1/3 bệnh nhân sẽ lại bị ung thư ở một bộ phận khác trên cơ thể trong các năm sau đó.

Điều đó có nghĩa là, các tế bào ung thư đã lây lan vào thời điểm chẩn đoán nhưng không thể phát hiện bằng các phương pháp chụp ảnh và xét nghiệm máu tiêu chuẩn đang có hiện nay. Nếu các bệnh nhân trên được hóa trị sau phẫu thuật, nguy cơ tái ung thư sẽ bị chặn đứng vì các tế bào ung thư dư thừa siêu nhỏ sẽ bị tiêu diệt.

Trong trường hợp ung thư đại tràng, việc quyết định bệnh nhân có nên hóa trị hay không tùy thuộc vào kết quả đánh giá khối u đã bị loại bỏ vào thời điểm phẫu thuật. Xác suất ung thư đã di căn sẽ tăng lên nếu trong người bệnh nhân có tế bào ung thư ở các tuyến bạch huyết nằm kế đại tràng (ung thư giai đoạn 3),

Xét nghiệm máu ctDNA rất đáng tin cậy để xác định khả năng tái phát ung thư sau phẫu thuật.
Xét nghiệm máu ctDNA rất đáng tin cậy để xác định khả năng tái phát ung thư sau phẫu thuật.

Vì vậy, hiện nay nhiều bệnh nhân ung thư đại tràng được nhận thêm 6 tháng hóa trị và chịu đựng những tác dụng phụ liên quan, dù có thể điều đó không cần thiết đối với họ. Còn một số khác có vẻ rủi ro thấp và sẽ nhận được lợi ích từ hóa trị lại không nhận ra điều cần thiết này. Do vậy, xét nghiệm máu ctDNA sau phẫn thuật giúp các bác sĩ ra quyết định phù hợp và chính xác hơn.

Hiện, số bệnh nhân đã tham gia thử nghiệm xét nghiệm ctDNA đã lên tới hơn 400 và hy vọng sẽ tăng đến 2.000. Dự kiến thử nghiệm sẽ kéo dài đến năm 2021 cho ung thư đại tràng và 2019 cho ung thư buồng trứng.

Xét nghiệm ctDNA là sự hợp tác giữa học viện Walter & Eliza Hall và trung tâm ung thư Johns Hopkins Kimmel ở Mỹ. Trung tâm ung thư Johns Hopkins Kimmel trực thuộc hệ thống bệnh viện phi lợi nhuận Johns Hopkins Hospital nổi tiếng với 22 năm đứng đầu bảng xếp hạng các bệnh viện tốt nhất nước Mỹ và nhiều năm trong top 10 bệnh viện điều trị ung thư của U.S. News & World Report.

Nếu thành công, khả năng tìm kiếm và đo lường DNA ung thư trong máu sẽ là một cuộc cách mạng trong điều trị ung thư.

Cập nhật: 27/10/2018 Theo khampha
  • 359