Vắc xin Covid-19 cần bảo quản ở âm 70 độ C, làm sao để thế giới có đủ tủ lạnh?

  •  
  • 605

Nếu cần, một số quốc gia sẵn sàng huy động cả hệ thống kho lạnh bảo quản thực phẩm.

Khi vắc xin Covid-19 sắp sửa được tung ra thị trường, các quốc gia trên thế giới đang phải gấp rút giải quyết một thách thức hậu cần mang tính quyết định: Để có thể phân phối vắc xin trên quy mô quốc gia và quốc tế, chúng ta sẽ cần đến những phương tiện trữ lạnh như xe tải, máy bay, tàu biển có tủ đông và một hệ thống kho lạnh trên mặt đất vì vắc xin hiện nay yêu cầu phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.

Tại Bỉ, nơi Pfizer đặt nhà máy sản xuất, vắc xin mà họ hợp tác với BioNTech đang được vận chuyển tới các nước đặt hàng bằng máy bay và xe tải. Hãng dược phẩm Mỹ đã chế tạo những chiếc hộp đặc biệt có thể lưu trữ từ 1.000 đến 5.000 liều ở nhiệt độ âm 70 độ C. Những chiếc hộp này có thể bảo quản vắc xin trong tối đa 10 ngày và có thể được theo dõi qua GPS. Trong khi đó, vắc xin do Mordena phát triển cũng phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 20 độ C.

Ngoài tủ đông, các quốc gia còn cần rất nhiều cơ sở hạ tầng khác để có thể vận chuyển và bảo quản vắc xin ở nhiệt độ cần thiết. Rất ít nước hiện tại có đủ năng lực để xây dựng một chuỗi lạnh phù hợp với tình hình phân phối vắc xin Covid-19 hiện nay. Khó khăn đặc biệt đang xảy ra ở các nước Châu Á đang phát triển.

Một xe tải có tủ đông âm 70 độ C dùng để vận chuyển vắc xin Covid-19
Một xe tải có tủ đông âm 70 độ C dùng để vận chuyển vắc xin Covid-19.

Trong số các hãng chuyển phát, UPS đã nâng công suất sản xuất đá khô lên 1.200 pound mỗi giờ trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hàng. Đồng thời, họ cũng đang cung cấp các tủ đông có thể duy trì nhiệt độ từ âm 20 độ C đến âm 80 độ C. FedEx cũng đã đưa hơn 5.000 trung tâm phân phối, 80.000 xe giao hàng và 670 máy bay vào trạng thái sẵn sàng cho các nhiệm vụ phân phối vắc xin Covid-19.

Với sự hỗ trợ của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ, United Airlines hiện đang vận chuyển vắc xin từ nhà máy Pfizer ở Bỉ đến Chicago. Hãng hàng không American Airlines đang thực hiện các chuyến bay thử nghiệm từ Florida đến Nam Mỹ để kiểm tra từ đầu đến cuối quy trình đóng gói và xử lý vắc xin.

Nhưng theo một cuộc khảo sát được Reuters trích dẫn, chỉ có 15% các hãng vận chuyển cảm thấy họ đã sẵn sàng để vận chuyển vắc xin của Pfizer.

Nhiều nước Châu Á phải đối mặt với những thách thức đặc biệt. Ví dụ như Ấn Độ sẽ phải tiêm vắc xin cho hơn 1,35 tỷ người trên một đất nước rộng lớn thường xuyên có thời tiết oi bức. Nhiều khu vực nông thôn chỉ đơn giản là không có cơ sở hạ tầng cho chuỗi trữ lạnh.

Trước đại dịch, quốc gia Nam Á đã có một mạng lưới 28.000 kho lạnh được chính phủ xây dựng để sử dụng cho chương trình tiêm chủng thông thường. Nhưng các chuyên gia và các công ty hậu cần đã nói với truyền thông địa phương rằng không có công ty nào có khả năng vận chuyển vắc xin ở nhiệt độ dưới âm 25 độ C.

Một người bán kem ở New Delhi, Ấn Độ trong thời tiết nóng bức.
Một người bán kem ở New Delhi, Ấn Độ trong thời tiết nóng bức.

Giám đốc điều hành của Medical Systems B có trụ sở tại Luxembourg sẽ đến New Delhi vào cuối tuần này để đàm phán với chính phủ về việc thiết lập một dây chuyền lạnh, bao gồm nhập khẩu hộp vận chuyển và tủ đông, sau đó xây dựng một nhà máy ở Gujarat để sản xuất chúng trong nước.

Các công ty hậu cần Ấn Độ cũng đang cố gắng mở rộng mạng lưới trữ lạnh của mình, đồng thời tăng khả năng vận hành để có thể hạ nhiệt độ vận chuyển xuống mức thấp hơn. Dự kiến, họ sẽ phải huy động đến cả mạng lưới dây chuyền lạnh bảo quản thực phẩm, vốn đã có phạm vi tiếp cận rộng, để phân phối vắc xin Covid-19.

Tuy nhiên, Ấn Độ còn một lựa chọn nữa là họ có thể chờ các công ty trong nước sản xuất xong vắc xin nội địa hoặc tốt nhất là có loại vắc xin chịu nhiệt tốt hơn.

"Thế giới đang tính đến phương án có một loại vắc xin rẻ nhưng hiệu quả trong việc chống lại Covid-19. Khi đó, cả thế giới đang phải trông vào Ấn Độ", Thủ tướng Narendra Modi phát biểu tại cuộc họp hôm thứ Sáu. Các vấn đề về giá vắc xin đã được đem ra thảo luận, bao gồm giá mỗi mũi tiêm và thêm chi phí thiết lập dây chuyền trữ lạnh để bảo quản và vận chuyển chúng.

Phía bên kia Ấn Độ Dương, Philippines cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất Đông Nam Á đang tìm cách thiết lập các kho lạnh trên khắp đất nước. Nếu cần thiết họ cũng sẽ huy động cả kho lạnh của các công ty dược phẩm tư nhân. Chính phủ Philippines cho biết đã chuẩn bị một nguồn tài chính để xây dựng thêm kho lạnh. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ một kế hoạch chi tiết nào được tiết lộ.

Hệ thống tủ đông lưu trữ vắc xin của Pfizer.
Hệ thống tủ đông lưu trữ vắc xin của Pfizer.

Ở phía bắc, Trung Quốc hiện đang đầu tư xây dựng hẳn một mạng lưới chuỗi lạnh toàn cầu. Cainiao Smart Logistics Network, chi nhánh hậu cần của Tập đoàn Alibaba, hôm thứ Năm cho biết họ đang hợp tác với Ethiopian Airlines để cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không xuyên biên giới, xuất phát từ sân bay Thâm Quyến (nơi có một dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin dành cho xuất khẩu). Dự kiến mỗi tuần sẽ có 2 chuyến bay vận chuyển vắc xin từ Trung Quốc rời Thâm Quyến để đến Châu Phi và các nơi khác trên thế giới.

Nhật Bản, mặc dù đi sau Mỹ và Châu Âu khi triển khai chương trình tiêm chủng đại trà, nhưng các công ty hậu cần của họ cũng đang rất bận rộn để chuẩn bị hệ thống cung cấp vắc xin.

Japan Airlines gần đây đã thành lập một đội chuyên vận chuyển vắc xin qua đường hàng không. Công ty đang gấp rút kết nối với các công ty giao nhận trực tiếp ký hợp đồng với Pfizer và Moderna.

Nếu cơ sở sản xuất vắc xin ở gần sân bay nằm ngoài mạng lưới dịch vụ thông thường của Japan Airlines, hãng vận chuyển có thể sắp xếp các chuyến bay thuê.

Ở trong nước, DHL Japan hiện đã có thiết bị lưu trữ có thể giữ vắc xin ở nhiệt độ âm 20 độ C. Yusen Logistics, một công ty trực thuộc tập đoàn vận tải biển Nippon Yusen, sẽ thành lập đội vận chuyển vắc xin của riêng mình vào đầu tháng này. Công ty sẽ hình thành một mạng lưới hậu cần dựa vào cả vận tải đường hàng không và đường bộ.

Yusen Logistics sẽ giao vắc xin trực tiếp đến bệnh viện hoặc cất giữ tạm thời trong kho. Công ty đang thảo luận những vấn đề đó với các nhà khai thác hàng không và hãng xe tải.

"Về cơ bản, chúng tôi giao vắc xin trong kho do người gửi hàng [hoặc nhà nhập khẩu] chỉ định, sau đó khi đã kiểm tra xong, chúng tôi sẽ phân phối đủ số lượng vắc xin cần thiết cho các tổ chức y tế", đại diện DHL Nhật Bản cho biết.

Một kho logistic của hãng vắc xin Sinovac Trung Quốc.
Một kho logistic của hãng vắc xin Sinovac Trung Quốc.

Trang bị tủ lạnh để bảo quản vắc xin cũng là một nhiệm vụ cần thiết. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chính phủ có kế hoạch cung cấp tổng cộng 3.000 kho lạnh trên toàn quốc để phục vụ mục tiêu tiêm chủng Covid-19.

PHC Holdings, một nhà sản xuất các kho lạnh có khả năng duy trì nhiệt độ ở âm 70 độ C cho biết công ty sẽ tăng công suất sản xuất thêm 30% kể từ tháng tới.

PHC hiện chiếm 20% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực tủ đông siêu lạnh cũng như phần lớn thị trường nội địa trong lĩnh vực này. Nhiều đơn đặt hàng của PHC đến từ các nhà sản xuất thuốc phương Tây, nhưng bây giờ công ty sẽ ưu tiên hơn cho các đơn hàng nội địa Nhật Bản.

"Chúng tôi có thể cung cấp đủ số lượng tủ đông lạnh cần thiết vào khoảng mùa xuân sang năm khi Nhật Bản bắt đầu tiêm chủng", Nobuaki Nakamura, Giám đốc Công ty PHC cho biết.

Bộ Y tế Nhật Bản đặt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng vào cuối tháng Ba năm 2021. Để có thể đảm bảo mục tiêu ấy, kế hoạch vận chuyển vắc xin dự kiến ​​sẽ được thực hiện ngay trong tuần này.

Cập nhật: 07/12/2020 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 605