Vào ngày 23/3, 17 bệnh nhân nặng nhất trong vụ ngộ độc do ăn măng tre ở tỉnh Nan (Thái Lan) đã được đưa lên Bangkok. Hiện nay, tất cả số bệnh nhân đều phải thở bằng máy hô hấp nhân tạo…
|
Đội cứu hộ đi cùng bệnh nhân lên máy bay tới Bangkok. (Ảnh: Reuters) |
Vừa qua, 161 dân làng ở tỉnh Nan (miền Bắc Thái Lan) đã phát bệnh sau khi ăn măng tre muối muối chua ở một lễ hội.
Nhân viên y tế Thái Lan cho rằng dịch bệnh ở tỉnh Nan là do bảo quản măng tre không tốt đã tạo ra vi khuẩn Clostridium botulium có độc tố chết người.
Độc tố trong vi khuẩn Clostridium botulinum là một trong những độc tố mạnh nhất và có thể sử dụng làm vũ khí sinh học. Độc tố này gây tử vong do nó làm tê liệt các cơ hô hấp làm người bệnh không thở được. Người bệnh phải được hỗ trợ thở để sống sót cho đến khi các dây thần kinh phục hồi.
Do các bệnh viện chính ở tỉnh Nan quá tải bệnh nhân, 17 bệnh nhân nặng nhất được đưa bằng máy bay lên Bangkok điều trị vào ngày 23/03.
Về cơ bản, 17 bệnh nhân này vẫn chưa qua cơn nguy hiểm. Mặc dù huyết áp và mạch bình thường, những bệnh nhân này vẫn chưa hồi phục. Thậm chí một số người còn không cử động được cơ thể. Các bác sỹ nhận định tình trạng bệnh nhân phụ thuộc vào lượng chất độc họ ăn phải.
Một số bệnh nhân còn bị chứng nhiễm trùng phổi, một trong những biến chứng do dùng máy thở. Nhiều người bị nhiễm trùng bàng quang
Vi khuẩn Clostridium botulium là vi khuẩn hình que, thường có trong thức ăn đóng hộp để lâu hoặc thực phẩm đóng hộp bị ô nhiễm trong quá trình chế biến. Ngoài ra, vi khuẩn Clostridium botulinum cũng có trong thực phẩm chưa nấu chín.
Thường sau khi ăn thức ăn có chứa vi khuẩn này từ 2 đến 48 giờ, bệnh nhân có các dấu hiệu buồn nôn, nôn, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, khó thở và hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời tỷ lệ tử vong rất lớn.
Độc tố trong vi khuẩn Clostridium botulinum là chất tự nhiên độc hại nhất mà con người biết đến. Liều lượng cực nhỏ chất này trong máu có thể làm tê liệt các cơ hô hấp và gây tử vong sau vài phút. (Theo Khoa học và Đời sống).
|
Một bệnh nhân nữ 14 tuổi, một trong 3 bệnh nhân nặng nhất được điều trị tại bệnh viện Ramathibodi, bị hôn mê sâu. Cô bé không thể nhúc nhích được người. Để giảm biến chứng do dùng máy thở quá lâu, các bác sỹ đang cân nhắc thực hiện phẫu thuật mở khí quản, dùng khí quản nhân tạo đặt trong cổ cô bé.
Tiến sỹ Prat Boonyawongvirot, Phó Thư ký Thường trực của Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, cho biết nếu không bị biến chứng, những bệnh nhân này cũng phải mất hai tháng mới hồi phục được.
Trước tình hình trên, các quan chức y tế ở Thái Lan đã phải cầu viện sự giúp đỡ của chuyên gia quốc tế để điều trị các bệnh nhân. Các chuyên gia vũ khí sinh học quân đội và chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến tỉnh Nan điều tra bệnh.
Đến nay, Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan, Pinij Jarusombat, đã ra lệnh cho nhân viên y tế ở tỉnh Nan và các tỉnh lân cận kiểm tra măng tre tại các chợ xem những sản phẩm này có nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum hay không.
Huyện Ban Luang (tỉnh Nan), tâm điểm dịch bệnh, đã cấm bán và vận chuyển mang tre đóng hộp. Bộ Y tế Công cộng Thái Lan khuyên dân chúng không nên hoảng sợ và nên ăn thức ăn nấu chín, phải luộc măng tre trong 30 phút.
Theo Christopher Braden, chuyên gia Trung tâm Atlanta của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh của Mỹ (CDC), đây là một trong những đợt ngộ độc thức ăn lớn nhất trong nhiều thập kỷ nay trên thế giới. Vào đợt bùng phát năm 1991, 90 người ở Ai Cập đã phát bệnh sau khi ăn thức ăn chứa vi khuẩn Clostridium botulinum.
Minh Thương