Vật thể cổ xưa hơn Trái đất rơi xuống Sahara, hé lộ bí mật "động trời"

  •   52
  • 6.815

Quê hương xa xưa nhất của chúng ta có thể là một vòng tuyết – nước tuyệt đẹp quanh mặt trời non trẻ, nơi cung cấp vật liệu để tạo hình Trái đất và các láng giềng.

Nghiên cứu đứng đầu bởi nhà nghiên cứu về Trái đất và khoa học hành tinh Meguma Matsumoto (Đại học Kyoto, Nhật Bản) đã tìm thấy thứ lạ lùng gọi là "hóa thạch băng" trong một thiên thạch có niên đại 4,6 tỉ năm tuổi, tức ngang ngửa tuổi của Hệ Mặt trời và "già" hơn cả trái đất.

Vòng tuyết
Hình ảnh vòng tuyết - nước tuyệt đẹp quanh ngôi sao trẻ V883 Orionis chính là hình ảnh của Hệ Mặt trời 4,6 tỉ năm về trước - (ảnh: ESO/NAOJ/NRAO).

Thiên thạch kỳ diệu nói trên mang tên Acfer 094m rơi xuống địa phận Algeria ở sa mạc Sahara (Bắc Phi) vào năm 1990. Những công cụ phân tích hiện đại đã giúp các nhà khoa học xác định nó là một "thiên thạch nguyên thủy", thứ tàn tích hiếm hoi và quý giá của tinh vân mặt trời.

"Hóa thạch băng" bên trong thiên thạch cổ đại này đã làm sáng tỏ cách thức các tiểu hành tinh hình thành trong hệ mặt trời sơ khai, sau đó là đến các hành tinh lớn. Nói cách khác, hóa thạch gồm bụi băng mịn chứa silicat, sunfua và vật liệu hữu cơ này chính là đại diện của một trong các loại "khối xây dựng hành tinh", thứ đã tạo nên Trái đất và tất cả các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời.

Cận cảnh thiên thạch cổ đại mang "hóa thạch băng"
Cận cảnh thiên thạch cổ đại mang "hóa thạch băng" - (ảnh: Natural History Museum).

Theo ông Matsumoto, vật liệu hóa thạch này có cấu trúc lạ lùng gồm một khối mịn màng của silicat và các vật liệu khác được bao bọc mởi một lớp băng giá từ nước nguyên chất.

Nó đã hé lộ hình ảnh quê hương Hệ Mặt trời của chúng ta buổi sơ khai. Lúc đó chưa có Trái đất và các hành tinh khác. Chỉ có một mặt trời trẻ tuổi đang tỏa sáng giữa một suối băng giá tuyệt đẹp, "chảy" thành một vòng khép kín xung quanh nó. Hình ảnh này đã được quan sát thấy ở một số ngôi sao trẻ khác trong vũ trụ - chính là buổi ban đầu của các "Hệ Mặt trời" khác.

Ở Hệ Mặt trời quá khứ đó, bụi xoáy, khí và cả băng dần được ngưng tụ, tạo thành các tiểu hành tinh đá hoặc các vật thể kích cỡ mặt trăng, rồi đến các hành tinh.

Trong quá trình hình thành, những vật thể mới ra đời có xu hướng tiến về phía mặt trời, khiến lớp băng cổ đại thuộc về vòng tuyết – nước xưa kia bắt đầu tan chảy, biến thành các hóa thạch băng. Một cách vô tình, hóa thạch băng đã "chui" vào các kẽ hở của thiên thạch cổ đại này, được bảo tồn và theo một con đường bí ẩn nào đó, hạ cánh xuống trái đất sau hàng tỉ năm lang thang.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.

Cập nhật: 30/11/2019 Theo NLĐ
  • 52
  • 6.815