Thiết bị từ hai cơ quan vũ trụ lớn của Nga - Mỹ liên tiếp gặp phải sự cố trên quỹ đạo Trái Đất, trong đó nguyên nhân vỡ nát của vệ tinh Nga vẫn chưa rõ ràng.
Theo Science Alert, thông báo từ Phi đội Phòng thủ không gian số 18 thuộc Biệt đội Không gian Delta 2 của Lực lượng Không gian Mỹ cho biết họ đang theo dõi 85 mảnh vỡ riêng lẻ ở độ cao 1.169 km kể từ mặt đất, được cho là phát tán vào không gian từ ngày 4-1 do sự tan vỡ bất ngờ của vệ tinh Nga KOSMOS 2499.
Một vệ tinh vỡ nát trên quỹ đạo - (Ảnh đồ họa từ ESA).
Nhà thiên văn học Jonathan McDowell từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết đây là sự kiện phân mảnh thứ hai được ghi nhận ở loại vệ tinh này. Một cái khác đã gặp hiện tượng tương tự vào ngày 23-10-2021, tạo ra 22 mảnh vụn có thể theo dõi được.
Thông tin trên website chính thức của Viện Vật lý công nghệ Moscow (Nga) cho biết vệ tinh này được thiết kế để thử nghiệm động cơ đẩy plasma/máy đẩy ion.
Cả hai lần vệ tinh bị vỡ đều chưa có kết luận rõ ràng nhưng khả năng được dự đoán cao nhất là do hệ thống đẩy tự nổ. Một vệ tinh khác gần giống thuộc loại KOSMOS 2491 cũng đã nổ năm 2020.
Theo tờ Space, trong cuộc họp báo năm 2014 về vụ phóng KOSMOS 2491 (tháng 12-2013), người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) khi đó là ông Oleg Ostapenko cho biết loại vệ tinh thử nghiệm này là sản phẩm hợp tác giữa Roscosmos và Viện Hàn lâm Khoa học Nga, được sử dụng cho mục đích hòa bình, bao gồm nghiên cứu không xác định của các tổ chức giáo dục.
NASA cũng vừa gặp sự cố với Lunar Flashlight, một tàu thăm dò nhỏ phóng tháng 12-2022 với mục tiêu là bay tới quỹ đạo Mặt trăng, từ đó quay quanh vệ tinh này để tìm kiếm dấu hiệu của nước đóng băng.
Tàu Lunar Flashlight - (Ảnh đồ họa từ NASA).
Thế nhưng, các cubesat của tàu - mang một loại nhiên liệu "xanh" thử nghiệm - đã gặp sự cố. 3/4 cubesat hoạt động không như mong đợi và sau vài lần tàu này vẫn "mắc kẹt" ở quỹ đạo Trái Đất.
NASA cho biết họ đang thử một kế hoạch mới là "chuyển ray" luôn cho con tàu không may mắn này. Thay vì hoạt động ở quỹ đạo Mặt trăng, nó chỉ cần cố đạt tới quỹ đạo cao của Trái Đất, nơi nó có thể bay qua Mặt trăng hàng tháng nhằm quan sát cực Nam của thiên thể này.