Vì sao hát ru giúp trẻ dễ ngủ hơn?

  •  
  • 985

Chắc hẳn ai có con cũng đều hiểu rõ cảnh tượng những đứa trẻ khóc ré lên lúc 3 giờ sáng. Các ông bố, bà mẹ phải lê thân xuống giường và dỗ dành hay hát ru để chúng quay trở lại giấc ngủ. Vì sao hát ru lại hiệu quả trong việc giúp những đứa trẻ vào giấc ngủ như vậy?

May thay, các nhà khoa học đã thực hiện khá nhiều nghiên cứu về lợi ích của việc hát ru đối với trẻ nhỏ. Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Con người có mối quan hệ bẩm sinh với âm nhạc

Âm nhạc được cho là một đặc điểm tiến hóa trong đời sống của con người. Ví dụ với côn trùng, chim hay thậm chí là con người đều sử dụng âm nhạc để tán tỉnh. Âm nhạc còn liên kết với khả năng ngôn ngữ và nhận thức. Một số nghiên cứu cho thấy tồn tại những liên kết nhất định trong não chỉ được sử dụng để cảm thụ âm nhạc.


Người mẹ đang hát ru cho con nghe. (Ảnh: Africa Studio/Shutterstock).

Trên thực tế, trẻ sơ sinh đã có thể cảm nhận được âm nhạc từ trước khi ra đời. Trong giai đoạn thứ ba của thai kỳ, thai nhi đã phát triển tai và cho phép chúng nghe được âm thanh ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Mọi âm thanh mà người mẹ nghe được thì thai nhi cũng nghe được. Trẻ sơ sinh còn khá giỏi trong việc nhận ra nhịp điệu và giai điệu mặc dù chúng chỉ mới được tiếp xúc với âm nhạc trong thời gian ngắn.

Khi người mẹ hát hay nói chuyện trực tiếp với trẻ, trí óc của chúng sẽ hoạt động năng nổ hơn. Miễn là người mẹ tiếp tục hát và đứa trẻ vẫn còn chú ý thì vỏ não thính giác của đứa bé sẽ được kích thích. Qua đó trẻ sẽ tập trung hơn vào lời nói của người mẹ và giúp chúng học nói nhanh hơn. Vỏ não thính giác đóng vai trò quan trọng trong khả năng biểu đạt cảm xúc qua âm thanh, cũng như tác động đến sở thích âm nhạc của trẻ sơ sinh. Do vậy, khi nghe thấy một số bài hát "yêu thích" nhất định, trẻ sẽ phản ứng lại bằng các cử chỉ vật lý.

Và chắc chắn rằng âm nhạc tác động đến người lớn không kém gì trẻ em. Âm nhạc giúp các liên kết thần kinh trong não bộ mạnh hơn và khiến chúng hoạt động thường xuyên. Những âm thanh bắt tai của âm nhạc giúp chúng ta giảm lo âu, căng thẳng và huyết áp, ngoài ra âm nhạc còn giúp cải thiện chất lượng chất ngủ và tăng cường tỉnh táo về mặt tâm thần.

Hát ru

Hầu hết các nền văn hóa trên toàn cầu đều có hát ru. Hát ru phổ biến từ những nền văn hóa cổ đại cho đến xã hội hiện đại ngày nay. Hát ru đã tồn tại hàng thế kỷ và chủ yếu được dùng để dỗ trẻ khi chúng quấy khóc. Theo các nhà nghiên cứu tại Havard Music Lab, bất kể là sử dụng loại ngôn ngữ nào thì hát ru đều có thể xoa dịu trẻ nhỏ.

Một nghiên cứu thú vị khác cho thấy khi bố mẹ hát ru trực tiếp cho con mình, họ sẽ hát ở nốt cao hơn và nhịp điệu chậm hơn so với khi họ thu âm lại cho chính con mình nghe. Nguyên nhân chính xác của hiện tượng này vẫn chưa được giải đáp nhưng các nhà khoa học tin rằng đó là do sự hiện diện của đứa trẻ mà bố mẹ chúng thay đổi tông giọng của mình. Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng người mẹ hát ở nốt cao hơn người bố nếu có sự hiện diện của con. Trẻ thường thích âm thanh trong, nhẹ nhàng và cao của người mẹ, đó là lý do vì sao nhiều đứa bé nín khóc ngay khi nghe thấy mẹ của mình hát, nhưng với người khác thì lại không có tác dụng.

Đại đa số các bài hát ru đều ở những nốt cao, bất kể ngôn ngữ hay văn hóa. Nguyên nhân là vì trẻ sơ sinh phản ứng tốt hơn với những âm thanh ở nốt cao. Một nghiên cứu tìm ra rằng trẻ sơ sinh thích nghe phiên bản tông cao hơn phiên bản tông thấp của cùng một bài hát. Có lẽ đây chính là lý do hầu hết các bài hát ru trên toàn thế giới đều có tông gần ngang nhau và đều ở tông cao, bất kể là ở ngôn ngữ nào.

Có ai chưa từng nói chuyện với trẻ nhỏ bằng nhưng âm thanh kỳ cục không nhỉ?
Có ai chưa từng nói chuyện với trẻ nhỏ bằng nhưng âm thanh kỳ cục không nhỉ? (Ảnh: Prostock-studio/Shutterstock).

Có một điều thú vị là nếu trẻ không thể nghe giọng nói êm dịu của người mẹ, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của não bộ, đặc biệt là với những trường hợp sinh non. Vì vậy, khi bố mẹ, nhất là người mẹ, hát những bản nhạc nhẹ nhàng cho trẻ nghe sẽ giúp não bộ của chúng trưởng thành hơn. Hát ru cũng sẽ giúp trẻ thoải mái, ổn định hơn và giảm căng thẳng, đó là lý do vì sao chúng dễ ngủ hơn khi nghe hát ru. Khi trẻ bị giật mình hay lo sợ, nhịp tim và huyết áp sẽ tăng cao. Hát ru là một cách làm giảm huyết áp và giúp chúng bình tĩnh lại nhanh chóng.

Không chỉ sức mạnh của hát ru giúp trẻ dễ ngủ hơn mà đó là sức mạnh của âm nhạc nói chung. Không quan trọng bạn hát nội dung gì, miễn là giai điệu bài hát nhẹ nhàng, chậm rãi và tông giọng cao.

Nói chuyện với trẻ bằng những âm thanh kỳ cục mà chúng ta tự tạo ra rất có lợi cho trẻ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng giọng nói cao giúp trẻ học nói nhanh hơn. Vì vậy, thường xuyên hát bằng những âm thanh kỳ cục sẽ giúp trẻ ngủ nhanh hơn và chúng sẽ có thể học nói sớm hơn!

Kết lại

Có khá nhiều bằng chứng cho thấy trẻ nhỏ phản ứng tốt với những bài hát ru, đặc biệt là khi chúng được nghe bố mẹ hát trực tiếp. Nếu bạn biết ai đó mở những bài hát ru bằng loa cho con họ nghe thì hãy khuyên họ nên dừng lại và tự hát cho con nghe. Điều này sẽ tốt cho cho đứa trẻ.

Vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để có thể hiểu rõ lý do vì sao hát ru tác động mạnh đến trẻ như vậy. Vì sao những nghiên cứu như thế này lại khó thực hiện như vậy? Đơn giản là vì đối tượng chính chưa thể nói được. Chính vì vậy, rất khó để các nhà khoa học có thể hiểu cảm giác cũng như phản ứng của trẻ đối với hát ru. Việc nghiên cứu sẽ đơn giản hơn nhiều nếu chúng ta có thể hỏi trực tiếp những đứa trẻ vì sao chúng thích nghe hát ru đến vậy.

Mặc dù vẫn còn là một bí ẩn nhưng nếu bạn vất vả trong việc ru con ngủ, hãy thử hát cho chúng nghe bằng giọng cao và giai điệu nhẹ nhàng. Chúng sẽ chìm vào thế giới mộng mơ nhanh hơn khi trước đấy!

Cập nhật: 19/12/2020 Theo vnreview
  • 985