Vì sao không khí trong nhà cũng bị ô nhiễm?

  •  
  • 135

Mùi khói thuốc, độ ẩm không khí cao, dùng nhiều thảm trải sàn và hương thơm nhân tạo là biểu hiện cho thấy không khí trong nhà có nguy cơ ô nhiễm.

Khoảng 93% thời gian của con người là ở trong nhà, theo khảo sát của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Do đó chất lượng không khí trong nhà rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe. Hít thở không khí chất lượng kém trong thời gian dài có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh nhiễm trùng, ung thư phổi, bệnh phổi mạn tính như hen suyễn.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết thực tế không khí trong nhà có thể còn ô nhiễm hơn ngoài trời. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy chất lượng không khí trong nhà kém là các triệu chứng hô hấp đỡ hơn khi khi ra khỏi nhà và xuất hiện lại khi trở về. Dưới đây là nguyên nhân khiến không khí tại không gian sống có nguy cơ ô nhiễm.

Hút thuốc lá trong nhà

Khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí trong nhà. Hút thuốc trong nhà khiến các thành viên phải hít khói thuốc thụ động, dẫn đến hàng loạt tác động xấu đến sức khỏe ở trẻ em và người lớn như: tăng nguy cơ ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn...

Mặt khác, người ta phát hiện khói thuốc có thể lưu trữ lại đến 9 năm trong những ngôi nhà có người hút thuốc, kể cả khi không còn ngửi thấy mùi. Khói thuốc bám dai dẳng nhất trên bề mặt vải, thảm, tường thạch cao, tác dụng với phân tử nitơ trong không khí, sản sinh ra hợp chất gây ung thư, đột biến gen.

"Các gia đình nên coi môi trường trong nhà là vùng cấm của khói thuốc, tuyệt đối không để bất kỳ ai hút thuốc trong nhà", bác sĩ Thắm nói.

Độ ẩm không khí cao

Độ ẩm không khí trong nhà cao là điều kiện lý tưởng để sản sinh nấm mốc. Tiếp xúc với nấm mốc có thể gây kích ứng mắt, da, mũi, họng, phổi. Ngay cả khi không có nấm mốc, không khí ẩm ướt trong nhà vẫn gây ra nhiều bệnh ở đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng, bệnh ở đường hô hấp dưới như hen suyễn, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Cách tốt nhất để phòng ngừa nấm mốc là kiểm soát độ ẩm, ngăn chặn nguồn gây ẩm. Bác sĩ Thắm khuyên nên giữ độ ẩm không khí trong nhà dưới 50%, sử dụng quạt thông gió trong phòng tắm, nhà bếp để giảm độ ẩm, loại bỏ những nơi nước đọng hoặc rò rỉ để ngăn nấm mốc phát triển.


Nấm mốc gây ô nhiễm không khí trong nhà. (Ảnh: Freepik)

Sử dụng nhiều thảm trải sàn

Thảm trải sàn là vật dụng bám nhiều chất ô nhiễm và gây dị ứng như mạt bụi, lông vật nuôi, bào tử nấm, hóa chất, bụi bẩn. Những chất này sẽ bay vào không khí trong quá trình dọn dẹp, hút bụi hoặc đi trên thảm. Ngoài ra, hóa chất kết dính sử dụng để lắp đặt thảm cũng có thể gây hại sức khỏe. Trẻ em là đối tượng tiếp xúc với thảm nhiều do thường xuyên chơi trên sàn, cho tay vào miệng.

Bác sĩ Thắm khuyến cáo thay vì thảm, gia đình nên chọn sàn có bề mặt cứng, dễ lau chùi. Nếu vẫn muốn dùng thảm, nên làm sạch thảm thường xuyên bằng phương pháp giặt hơi khô để tránh sản sinh nấm mốc. Nhà bếp, phòng tắm và lối ra vào không nên đặt thảm vì nền nhà thường ẩm ướt, dễ gây nấm mốc.

Sử dụng hóa chất tẩy rửa, tạo mùi thơm

Chất tẩy rửa có thể gây kích ứng mắt, cổ họng, đau đầu khi tiếp xúc nhiều. Chúng giải phóng một số hóa chất nguy hiểm, trong đó có hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) gây ra các bệnh mạn tính về hô hấp như hen suyễn, COPD, giãn phế quản và phản ứng dị ứng. VOC có trong một số hóa chất tẩy rửa, tạo mùi như bình xịt thơm, thuốc tẩy clo, bột giặt và nước rửa bát, chất tẩy rửa thảm và sàn...

Bác sĩ Thắm khuyến cáo không nên sử dụng nến thơm hoặc nước hoa để che giấu mùi trong phòng. Thay vào đó, gia đình cần tìm nguyên nhân gây ra mùi, dọn sạch và tăng cường thông gió để không khí trong lành trở lại. Khi sử dụng sản phẩm tẩy rửa nên chọn loại có thành phần thiên nhiên, đặc biệt không nên lưu trữ hóa chất độc hại trong nhà.

Hệ thống thông gió kém

Giống như lá phổi, ngôi nhà cần được "thở" để đưa không khí trong lành vào thay thế không khí cũ, bẩn. Thông khí kém sẽ dẫn đến tích tụ nấm mốc, bụi bẩn, các loại khí độc trong không khí, gây bệnh đường hô hấp, nhiều hệ lụy sức khỏe lâu dài.

Tất cả những nơi có dùng thiết bị đốt bằng nhiên liệu (bếp ga, bếp củi, bếp than, lò sưởi) đều cần có hệ thống thông gió đặc biệt, dẫn khí ra bên ngoài để loại bỏ khí độc sản sinh trong quá trình nấu nướng. Hệ thống này cũng cần được bảo dưỡng thường xuyên để đạt hiệu quả thông gió tốt nhất.

Cập nhật: 18/11/2022 VnExpress
  • 135