Nhiều người miêu tả hiện tượng này như "không có gì trên đĩa nhưng có mọi thứ trên hoá đơn", song đa số người thích fine dining không ai phàn nàn nhiều về chuyện ấy cả.
Nếu chúng ta từng xem những bộ phim mà có phân cảnh các nhân vật đi ăn ở nhà hàng sang trọng (như Rattatouille chẳng hạn), sẽ để ý thấy một điều là hầu như các món ăn đều luôn chỉ có một khối bé xíu nằm "trơ trọi" trên một chiếc đĩa to. Phần nào to lắm thì cũng được chia làm nhiều miếng nhỏ và được sắp xếp trên chiếc đĩa, chứ không bao giờ có cảnh thức ăn chất thành một đống đầy đặn và "trù phú" như những nhà hàng thông thường.
Món rattatouille phiên bản sang trọng.
Và món rattatouile phiên bản "bình dân".
Đối với hội mê ăn thì điều này hết sức khó hiểu, tuy nhiên đây là phong cách chung của các nhà hàng hạng sang, cũng như việc bạn phải mặc váy áo và đồ tây trang khi đi ăn ở nơi như thế vậy. Không có nhiều lý giải chính thức từ các nhà hàng xoay quanh nguồn gốc của chuyện này, nhưng một số người hay đi ăn đã nghĩ đến các lý do như sau:
Phần ăn ít là do nguyên vật liệu trong các nhà hàng lớn có giá rất cao. Để giữ hình tượng, hầu như các nhà hàng hạng sang chỉ luôn lấy nguyên liệu từ những nguồn "xa xỉ" nhất. Các món như trứng cá tầm, nấm truffles sẽ luôn có giá "trên trời", và thịt bò thì sẽ là những miếng thịt có vân cẩm thạch hạng prime. Tuy nhiên đối với phần đông thì đây là một giải thích "nửa vời" bởi vì dù những nguyên vật liệu nêu trên đắt đỏ thật, nhưng không phải món ăn nào cũng dùng những nguyên liệu ấy. Có những món "bình dân" làm từ rau củ quả như rattatouille hay súp bí đỏ, những nguyên liệu chính trong ấy có đắt đến đâu thì cũng không thể đắt đến mức cho ra phần ăn bé tí như vậy được.
Không ai đến nhà hàng hạng sang mỗi ngày chỉ để ăn bữa trưa hay bữa tối.
Không ai đến nhà hàng hạng sang để ăn no cả, đấy là một điều hiểu ngầm giữa những người thích fine dining. Không ai đến nhà hàng hạng sang mỗi ngày chỉ để ăn bữa trưa hay bữa tối (trừ khi bạn siêu, siêu giàu có nhưng đấy lại là chuyện khác). Người ta chỉ ăn ở các nhà hàng này khi nào có dịp đặc biệt như tiệc tối lãng mạn, kỷ niệm, họp mặt công việc... Và trong mắt nhiều người thì việc thức ăn chất đống thật ra thiếu sự sang trọng và duyên dáng cho những dịp thế này, và cũng loại trừ luôn khả năng ăn không hết, để lại những phần thức ăn "sứt sẹo" trên mặt bàn. Có thể thấy, hầu như không bao giờ có thức ăn thừa trên những chiếc đĩa trong nhà hàng hạng sang (vì phần ăn quá ít) và điều đó, theo như nhiều người, sẽ khiến khung cảnh trông gọn gàng và sạch sẽ hơn.
Hầu như các loại bát đĩa trong nhà hàng hạng sang đều có màu trắng thuần và cực ít hoa văn.
Sự thật là bạn không thể vẽ trên một bức tranh đã đầy ắp màu sắc. Điều này cũng tương tự với việc các bếp trưởng không thể trang trí trên một chiếc đĩa đầy ắp thức ăn. Các nhà hàng hạng sang sẽ luôn phải chừa ra một khoảng trống trên đĩa để trang trí bằng các loại rau hoặc nước sốt. Mặt khác, nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy rằng hầu như các loại bát đĩa trong nhà hàng hạng sang đều có màu trắng thuần và cực ít hoa văn. Đây cũng là vì thẩm mỹ.
Khi nhìn những món ăn ít ỏi trên đĩa to, chúng ta đều sẽ nghĩ rằng đây thuộc về nhà hàng hạng sang.
Nhiều người nói việc này thực ra không có nhiều ý nghĩa thực tế, mà phần lớn là vì để các nhà hàng hạng sang trở nên khác biệt so với những nhà hàng thông thường khác, là một cách để xây dựng cá tính cũng như thương hiệu. Có thể nói, cách này cho đến bây giờ rất hiệu quả bởi vì khi nhìn những món ăn ít ỏi trên đĩa to, chúng ta đều sẽ nghĩ rằng đây thuộc về nhà hàng hạng sang, trong khi nhìn những chiếc đĩa đầy đặn hơn thì sẽ biết rằng đó là các chuỗi thức ăn nhanh hoặc nhà hàng bình dân.
Tâm lý con người hay bị hấp dẫn bởi những thức hiếm.
Tâm lý con người hay bị hấp dẫn bởi những thức hiếm. Bình thường, nếu đó là món có thể thấy nhan nhản ở bất kì đâu thì ta sẽ không xem trọng nó, song nếu món đấy hiếm thì tự dưng lại trở nên quý giá vô cùng. Các nhà hàng hạng sang cũng dựa vào tâm lý này để khiến món ăn của họ trông hấp dẫn hơn.
Cùng là spaghetti nhưng ở nhà hàng hạng sang lại khiến bạn "thòm thèm" hơn là do khẩu phần ít hơn.
Cảm giác ngán là kẻ thù của nhiều đầu bếp trên thế giới. Có một sự thật là dù món ăn ngon đến đâu, thì khi bạn ăn quá nhiều, đến lúc vượt một ngưỡng nào đó thì nó sẽ trở nên quen thuộc và thậm chí là ngán. Mặt khác, các nhà hàng hạng sang là nơi chuyên tiếp đón những nhà phê bình ẩm thực, những nhà phê bình này chỉ đưa ra đánh giá vào cuối mỗi buổi ăn, và nếu họ ăn đến ngán thì đây sẽ là bất lợi lớn. Vậy nên trước khi vị giác của chúng ta trở nên quen thuộc và thấy món ăn cũng "thường thường" thì chúng đã hết sạch rồi. Đây cũng là một "chiến thuật" của các nhà hàng, khiến món ăn của họ luôn để lại ấn tượng "thèm thuồng" do ăn chưa đủ.
Nhà hàng đắt tiền đề cao trải nghiệm ăn uống của thực khách.
Các nhà hàng đắt tiền đề cao trải nghiệm ăn uống của thực khách. Đồng thời, khách đến những địa chỉ này mong muốn tìm kiếm những hương vị và trải nghiệm độc đáo hơn là để no bụng. Với những khẩu phần ăn nhỏ, họ sẽ được nếm thử nhiều loại đồ ăn khác nhau và có thể cảm nhận cũng như phân biệt được hương vị tươi ngon, tinh tế của từng món.
Nhà hàng sang trọng thường nhập khẩu nguyên liệu, điều này ảnh hưởng đến giá thực đơn.
Các món ăn với nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng, tinh tế, phổ biến ở các nhà hàng cao cấp. Ví dụ, nửa kilogram thịt bò Wagyu có thể có giá 200 USD và trứng cá muối có giá khoảng 10.000 USD/kg. Một món ăn có cả 2 loại thực phẩm này và thêm nấm truffle Italy (khoảng 7.500 USD/kg) chắc chắn sẽ có giá rất cao. Ngoài ra, các nhà hàng sang trọng thường nhập khẩu nguyên liệu. Việc làm này tăng chi phí và ảnh hưởng đến giá thực đơn. Để giữ giá không quá cao, họ phục vụ các phần ăn nhỏ hơn.