Vì sao ta luôn muốn véo má em bé, xoa đầu chó nhỏ?

  •  
  • 1.442

Gặp một em bé bụ bẫm hay một chú cún đáng yêu, phần lớn chúng ta không nhịn được véo má bé và xoa đầu chó nhỏ. Vì sao vậy?

Trước đây, nhiều nhà khoa học từng cảm thấy khó giải thích hiện tượng cảm xúc này. Nó thường xuất hiện khi chúng ta đứng trước một sự vật, hiện tượng hay một vật thể nào đó mang vẻ đẹp và sự dễ thương. Ví dụ luôn muốn thơm và véo một em bé kháu khỉnh có má phúng phính, hít hà hương thơm của một bông hoa đẹp, ôm ấp một chú chó con.

Khi đó, cảm xúc dường như lên cao hơn, tim đập nhanh hơn, tạo nên một trạng thái cảm xúc gần như quá khích. Trạng thái này khiến chúng ta gần như "không thể ngừng hành động" chạm vào đối tượng đó được.

Hiện nay, các nhà khoa học đã nhận định rằng trạng thái đó chỉ đơn giản là cách mà bộ não "làm dịu" cảm xúc của chúng ta.

Trạng thái đó chỉ đơn giản là cách mà bộ não "làm dịu" cảm xúc của chúng ta.
Trạng thái đó chỉ đơn giản là cách mà bộ não "làm dịu" cảm xúc của chúng ta. (Ảnh: stock.adobe.com).

Sau khi phân tích nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Yale về thuật ngữ "gây hấn dễ thương" lần đầu năm 2015, Katherine Stavropoulos, giáo sư về giáo dục đặc biệt tại Đại học California (Mỹ tự hỏi liệu có một dây thần kinh nào chịu trách nhiệm về cảm xúc này hay không.

Theo giáo sư Stavropoulos, hoạt động này có thể liên quan đến cơ chế khen thưởng của não bộ, liên quan đến cảm giác "muốn", hệ thống cảm xúc hoặc xử lý cảm xúc.

Dựa trên các quan sát về hoạt động thần kinh ở một số người tham gia thí nghiệm, giáo sư Stavropoulos phát hiện những bằng chứng trực tiếp về mối liên quan của cơ chế khen thưởng và cảm xúc của bộ não đối với hiện tượng "gây hấn dễ thương".

"Về cơ bản, những người được trải nghiệm cảm giác này sẽ muốn chạm vào đối tượng đem lại cảm giác đó mà không gây hại cho đối phương. Đó là cách mà bộ não đưa chúng ta trở lại cảm xúc bình thường ban đầu", Katherine Stavropoulos nói.

Stavropoulos tin rằng, hiện tượng này giống như một phương thức biểu thị khả năng có thể chăm sóc với những điều mà chúng ta thấy "dễ thương".

Trong tương lai, Stavropoulos hy vọng sẽ sử dụng phương pháp thăm dò điện sinh lý để nghiên cứu các cơ sở thần kinh của hiện tượng này trong nhiều nhóm người khác nhau. Chẳng hạn như các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh, những người bị rối loạn phổ tự kỷ, và những người không có trẻ sơ sinh hoặc vật nuôi.

Cập nhật: 10/12/2018 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.442