Trầm cảm sau sinh – Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng chữa

  •  
  • 1.648

Phụ nữ được tạo hóa ban cho thiên chức làm mẹ, điều đó thật thiêng liêng và đáng tự hào đối với nữ giới chúng ta. Nhưng kèm theo thiên chức đó là những bệnh lý gặp phải liên quan đến thời kỳ sinh đẻ. Một trong những bệnh lý đó là bệnh trầm cảm sau sinh, chiếm tỉ lệ khoảng 13% các bà mẹ sau khi sinh con.

Sau khi sinh, cơ thể có một sự thay đổi lớn về tâm, sinh lý. Người mẹ trải qua một thời gian ở trong tâm trạng mong chờ con ra đời, vui mừng đón chào thiên thần bé nhỏ nhưng có một tỉ lệ khoảng 85% các bà mẹ có những cảm giác buồn thoáng qua, còn gọi là “baby blues” với những biểu hiện như có tâm trạng buồn và chán, khó khăn trong giấc ngủ, dễ bị kích thích, sự ngon miệng thay đổi, có vấn đề về sự tập trung chú ý. Những biểu hiện này thường gặp trong một vài ngày đầu sau khi sinh và tối đa kéo dài hai tuần do có sự thay đổi về hormon ngay sau sinh. Nhưng nếu những biểu hiện này kéo dài hơn hai tuần, bạn đã mắc một căn bệnh đó là trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm, nguyên nhân do đâu?

Có khoảng 85% các bà mẹ có những cảm giác buồn thoáng qua, còn gọi là “baby blues”.
Có khoảng 85% các bà mẹ có những cảm giác buồn thoáng qua, còn gọi là “baby blues”.

Ngay sau khi sinh, một sự thay đổi nhanh chóng nồng độ hormon trong máu, đó là sự giảm đi của nồng độ estrogen và progesterone, nồng độ hormon tuyến giáp thyroid cũng giảm, dẫn đến mệt mỏi, trầm cảm. Sự suy giảm về nồng độ hormon cùng với sự thay đổi về huyết áp, chức năng của hệ miễn dịch và những biến đổi về chuyển hoá mà bà mẹ sau sinh phải trải qua là một phần trong căn nguyên gây trầm cảm.

Sau khi sinh, người phụ nữ cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về cơ thể lẫn tâm lý. Những đau đớn phải trải qua do quá trình sinh con, thậm chí phải mổ đẻ có thể kéo dài một vài tuần sau sinh. Những vấn đề về tâm lý như khi con ra đời, cơ thể mất đi một trọng lượng đáng kể, các bà mẹ thường cảm thấy người mình trở nên xấu xí và không còn sự hấp dẫn nữa. Họ thường phải thay đổi về cách sống để chăm sóc con, đặc biệt đối với những người lần đầu làm mẹ. Họ thường quá lo lắng về trách nhiệm làm mẹ của mình.

Những yếu tố nguy cơ của trầm cảm sau sinh là những người có tiền sử bị trầm cảm thì bệnh thường dễ tái phát sau sinh, những sự kiện stress trong quá trình mang thai hoặc trong quá trình sinh con như là khó khăn trong khi sinh, con khi sinh ra gặp phải những vấn đề về sức khỏe, đẻ non, hoặc ốm trong quá trình mang thai. Những phụ nữ có những cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc không có sự giúp đỡ của gia đình, xã hội thì nguy cơ trầm cảm rất là cao.

Vậy biểu hiện của chứng trầm cảm là như thế nào?

Không còn sức lực và không có động cơ trong cuộc sống là một trong những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh.
Không còn sức lực và không có động cơ trong cuộc sống là một trong những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh.

Nếu bạn thấy những biểu hiện của trạng thái buồn chán sau sinh kéo dài trên hai tuần cùng với những biểu hiện:

  • Bạn không còn cảm thấy thích thú với con của mình nữa.
  • Có những cảm xúc tiêu cực đối với con bạn như chán ghét con, không yêu con nữa…
  • Lo lắng là bạn sẽ làm gì đó có hại cho con bạn.
  • Không còn quan tâm chăm sóc bản thân.
  • Không có sự hài lòng trong cuộc sống.
  • Bạn cảm thấy không còn sức lực và không có động cơ trong cuộc sống.
  • Cảm thấy không có giá trị và có tội lỗi.
  • Ăn không ngon miệng hoặc sút cân.
  • Ngủ ít hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.
  • Thường có ý nghĩ đến cái chết hoặc tự sát.

Trầm cảm ở mẹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với con?

Những trẻ có mẹ bị trầm cảm sau sinh có thể có những ảnh hưởng sau:

  • Những vấn đề về hành vi: Những đứa trẻ này có xu hướng có những hành vi bất thường, ví dụ như những vấn đề về giấc ngủ, hành vi dễ bùng nổ, kích động và tăng hoạt động.
  • Chậm trong việc phát triển nhận thức: Những đứa trẻ này thường chậm trong phát triển về nhận thức, chậm nói, chậm đi hơn những trẻ khác. Chúng cũng có thể gặp những khó khăn trong học tập cùng những vấn đề khác khi ở trường.
  • Những vấn đề về xã hội: Những đứa trẻ này thường gặp khó khăn trong các mối quan hệ tại trường học, với bạn bè cùng lứa tuổi, trẻ thường thu rút những mối quan hệ xã hội hoặc có những cách cư xử bất bình thường.
  • Những vấn đề về cảm xúc: Những đứa trẻ này thường có lòng tự tin thấp, dễ lo âu và sợ hãi, bị động hơn những trẻ khác, thường hay phụ thuộc và có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Điều trị trầm cảm như thế nào?

Để điều trị trầm cảm, cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau: liệu pháp tâm lý, liệu pháp hormon, thuốc chống trầm cảm.

Liệu pháp tâm lý bao gồm tâm lý cá nhân hoặc tâm lý nhóm là một phương pháp điều trị có hiệu quả. Đây là liệu pháp được chọn lựa đầu tiên vì không cần sử dụng đến thuốc, không sợ ảnh hưởng đến trẻ nếu bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.

Ngay từ trong thai kỳ, hãy nghỉ ngơi, thư giãn, đừng quá căng thẳng và suy nghĩ quá nhiều.
Ngay từ trong thai kỳ, hãy nghỉ ngơi, thư giãn, đừng quá căng thẳng và suy nghĩ quá nhiều.

Liệu pháp hormon bao gồm sử dụng estrogen thay thế đôi khi có hiệu quả đối với trầm cảm sau sinh. Hormon estrogen được sử dụng kết hợp với thuốc chống trầm cảm.

Đối với những trường hợp nặng, bà mẹ không thể chăm sóc được bản thân mình và con thì cần sử dụng thuốc chống trầm cảm nhưng cần phải lưu ý nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì cần phải có sự cân nhắc giữa lợi ích của việc dùng thuốc điều trị với tác dụng phụ nếu tiếp tục cho con bú và phải có sự theo dõi sát của bác sĩ chuyên khoa.

Làm thế nào để tránh xa trầm cảm?

Cần chuẩn bị sẵn những kiến thức về làm mẹ và những điều kiện kinh tế sẵn sàng cho việc tiếp nhận thành viên mới trong gia đình.

Các mẹ bầu nhớ chú ý chăm sóc bản thân cẩn thận, tất cả là cũng vì con cái, đừng để bị rơi vào trạng thái trầm cảm, đến lúc đó không chỉ bản thân bạn khổ sở mà con yêu của bạn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ngay từ trong thai kỳ, hãy nghỉ ngơi, thư giãn, đừng quá căng thẳng và suy nghĩ quá nhiều về việc phải làm mẹ như thế nào, chúng ta còn cả một thời gian dài để học.

Các thành viên trong gia đình cần phải trợ giúp bà mẹ mới sinh con trong việc chăm sóc trẻ để người mẹ có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau khi sinh; chia sẻ, giải quyết những vấn đề về tâm lý gặp phải với người mẹ, vai trò của người chồng rất quan trọng.

Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, không được kiêng khem quá mức dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng cho mẹ và con. Ngủ tốt để đảm bảo sức khỏe khi con ngủ mẹ cần phải tranh thủ ngủ...

Lời khuyên từ bác sĩ

Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm đã điều trị hoặc đang điều trị, trẻ tuổi, phải trải qua những sự kiện căng thẳng trước lúc sinh con như bệnh tật, hiếm muộn, thai lưu, sảy thai, thiếu sự quan tâm chăm sóc của chồng, mâu thuẫn gia đình, mang thai ngoài ý muốn... dễ bị trầm cảm sau sinh hơn.

Phụ nữ sau sinh con có các biểu hiện bất thường, cần nghĩ ngay đến nguy cơ trầm cảm để có thể đi khám bệnh kịp thời.

Theo BS CKII Vũ Kim Hoàn, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, hiện nay quá trình đô thị hóa, những khó khăn trong cuộc sống, áp lực công việc càng tăng, gây ra những mâu thuẫn trong gia đình, xã hội. Nếu chúng ta không đáp ứng được sự thay đổi này, áp lực này... dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm và hàng loạt bệnh lý khác. Lâu ngày trở nên buồn chán, suy nghĩ bi quan, nặng hơn nữa là có ý định tự tử.

Thường độ tuổi từ 30-40 tuổi trở lên dễ bị trầm cảm. Phụ nữ sau khi sinh, người bệnh sau khi bị đột quỵ, tai biến, động kinh, parkinson, đái tháo đường... rất dễ bị trầm cảm.

Đáng nói, người bệnh thường ít khi ý thức được họ bị bệnh và do còn nhiều định kiến về bệnh tâm thần nên họ không chịu đến bệnh viện tâm thần khám ngay. Khi có các triệu chứng bất thường, họ chỉ nghĩ bị các bệnh lý cơ thể nên thường đến các chuyên khoa như tim mạch, tiêu hóa, thần kinh... để khám.

Nếu đi khám ở nhiều nơi, bệnh không thuyên giảm mà càng nặng hơn mới chịu đến cơ sở chuyên khoa tâm thần điều trị, hoặc được các cơ sở y tế không chuyên khoa chuyển đến.

Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, do áp lực trong cuộc sống, mâu thuẫn trong gia đình; ngoài xã hội, tại nơi công tác hoặc học tập..., ai cũng có thể gặp một cơn trầm cảm, nên cần nhận biết và phát hiện triệu chứng bất thường để điều chỉnh lại cuộc sống. Khi các triệu chứng chuyển biến nặng hơn phải đi khám, điều trị đúng chuyên khoa.

Để phòng bệnh trầm cảm sau sinh, ngay từ khi mang thai cần quan tâm, chăm sóc cả về dinh dưỡng và tinh thần của thai phụ. Người phụ nữ nên tự mình tham gia các hoạt động tích cực như đi bộ, vận động nhẹ, nghe nhạc thư giãn... giúp tâm trạng luôn vui vẻ, ổn định.

Sau khi sinh con, phụ nữ cần có chế độ sinh hoạt phù hợp như nghỉ ngơi hợp lý, đi dạo nhẹ nhàng, bổ sung đủ dưỡng chất. Không gây áp lực bản thân phải làm tất cả mọi thứ, tránh tự cô lập bản thân, cố gắng mở lòng với người thân và yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết. Cuối cùng, phụ nữ cần được sự cảm thông chia sẻ từ chồng và người thân trong gia đình.

Cập nhật: 30/10/2024 Tổng Hợp
  • 1.648