Vì sao thành phố Hà Lan khuyên người dân không nên quét lá rụng?

  •  
  • 470

Hội đồng thành phố Eindhoven, Hà Lan cho biết việc để lá mùa thu phân hủy tự nhiên trong vườn và công viên sẽ tăng cường sức khỏe cho đất và côn trùng.

Ông Martijn van Gessel, người phát ngôn của Hội đồng thành phố Eindhoven cho biết thành phố muốn ngừng việc sử dụng máy thổi lá trong các công viên để tạo ra lớp lá ẩm ướt và ấm áp cho côn trùng vào mùa đông, ngay cả khi điều này khiến khung cảnh thành phố trông có vẻ bừa bộn hơn, theo Guardian.

“Trong một thời gian dài, người ta tin rằng cỏ phải luôn được cắt, lá rụng phải được quét dọn và mọi thứ phải ngăn nắp. Nhưng trong công viên, chúng ta nên để những chiếc lá rụng phân hủy tự nhiên mà không cần thu gom, ông Van Gessel nói.

Ông Raymond van de Sande, nhà quản lý của công ty cảnh quan Ergon cho biết: “Điều này sẽ phá vỡ cách làm vườn truyền thống, cũng như đi ngược lại ý tưởng cho rằng mọi thứ phải trông ngăn nắp”.

Thành phố Eindhoven ở Hà Lan khuyến khích người dân không thu gom hay xử lý lá rụng
Thành phố Eindhoven ở Hà Lan khuyến khích người dân không thu gom hay xử lý lá rụng mà để chúng phân hủy trên nền đất. (Ảnh: Shutterstock).

Ông cũng nói thêm rằng việc để lá rụng trên mặt đất có nhiều lợi ích về môi trường. “Khi để mọi thứ phân hủy tự nhiên, bạn sẽ nhận ra những lợi ích về sinh thái và đa dạng sinh học. Sẽ có ít cỏ dại hơn, cần ít nước hơn vào mùa hè và khi trời mưa, lượng nước chảy ra cống sẽ ít hơn”.

Hội đồng thành phố đã đặt 200 “giỏ lá” xung quanh thành phố và khuyến khích người dân thu gom lá rụng xung quanh đường phố hoặc nhà của họ vào những chiếc giỏ này để chúng được được thái nhỏ và sử dụng làm phân bón trộn cho cây trồng trong thành phố vào mùa xuân tới.

Ông Van de Sande cho biết: “Đôi khi mọi người cau mày khi chúng tôi phủ lớp phân bón này vào chậu cây, vì nó có mùi không mấy dễ chịu. Nhưng khi tôi giải thích rằng chúng tôi đang cố gắng khôi phục lại sức khỏe cho mặt đất mà con người làm suy thoái, họ thông cảm với chúng tôi".

Cập nhật: 28/10/2022 Zing
  • 470